Tổng phương tiện thanh toán tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái

Tài chính - Đầu tư
08:27 AM 25/07/2025

Tổng phương tiện thanh toán (hay cung tiền M2) tăng 17,6% so với cùng kỳ tháng 5/2024. So với giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh thì mức tăng hiện tại cho thấy đồng tiền đang quay chậm.

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tổng phương tiện thanh toán (hay cung tiền M2), không bao gồm các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua, đạt 18,97 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 5/2025. So với tháng trước đó, cung tiền M2 tăng 1,3%; so với cuối năm 2024 tăng 5,91%, tương ứng mức tăng khoảng 1,6 triệu tỷ đồng; và tăng 17,6% so với cùng kỳ tháng 5/2024.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái- Ảnh 1.

Xét theo tốc độ tăng trưởng năm (YoY), mức tăng 17,6% của tháng 5/2025 cao hơn 4,8 điểm phần trăm so với mức 12,8% ghi nhận vào cuối tháng 12/2024, và cao hơn 5,7 điểm phần trăm so với tháng 5/2024. Nếu xét theo tốc độ tăng trưởng tháng (MoM), mức tăng 1,3% của tháng 5/2025 cao hơn mức tăng 1,1% trong tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh gần nhất là 3,6% vào tháng 12/2023.

Tỷ trọng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng so với tổng phương tiện thanh toán M2 trong tháng 5/2025 là 9,5%. So với mức 9,7% ghi nhận trong tháng 5/2024, tỷ lệ này giảm 0,2 điểm phần trăm; đồng thời thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức đỉnh gần nhất là 10,9% vào tháng 1/2025 - thời điểm cận Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng tiền mặt cho chi tiêu, biếu tặng và thanh toán trực tiếp tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1.

Trong 13 tháng gần đây, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán (C/M2) dao động trong khoảng từ 9,0% đến 10,9%, với mức thấp nhất là tháng 10/2024 (9,0%) và mức cao nhất là tháng 1/2025 (10,9%). Riêng trong tháng 5/2025, tỷ lệ này đạt 9,48%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức 9,68% của tháng 4/2025.

Như vậy, dựa trên các dữ liệu do NHNN công bố, tổng lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng trong tháng 5/2025 được tính toán ở mức 1.798,71 nghìn tỷ đồng, tương đương 1.798.710 tỷ đồng. So với tháng 5/2024 (1.561,4 nghìn tỷ đồng), khối lượng tiền mặt lưu thông đã tăng 237,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 15,2% theo năm.

Tuy nhiên, so với tháng liền trước là tháng 4/2025, lượng tiền mặt lưu thông đã giảm từ 1.977,7 nghìn tỷ đồng xuống 1.798,7 nghìn tỷ đồng, giảm 179,0 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức giảm 9,05%. Ngược lại, nếu so với tháng 3/2025 (1.756,4 nghìn tỷ đồng), lượng tiền mặt tháng 5/2025 vẫn cao hơn 42,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,41%.

TS. Cấn Văn Lực nhận xét: “Vòng quay tiền trong sáu tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 0,67 lần - tương đương với mức thấp của cả năm 2022”. Ông giải thích thêm, so với giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh khi vòng quay tiền thường đạt trên 1 lần, thì mức hiện tại cho thấy đồng tiền đang quay chậm. 

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, hiện chưa cần quá lo ngại về lạm phát, và từ nay đến cuối năm, cung tiền có thể được nới thêm, giúp vòng quay tiền nhanh hơn một chút.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn