Tổng tài sản thị trường bảo hiểm tăng hơn 44,1 nghìn tỷ đồng

Đầu tư và Tiếp thị
02:42 PM 12/04/2021

Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ sau 3 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng thêm hơn 44,1 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm đến hết quý I ước đạt 2.332 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, phí bảo hiểm thu xếp gốc ước đạt 1.874 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trái lại, phí tái bảo hiểm thu xếp ước đạt 458 tỷ đồng, lại giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, quý I năm 2021, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng thêm hơn 44,1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm tăng hơn 44,1 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm tăng hơn 44,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp

Cụ thể, tính đến hết tháng 3 năm 2021, thị trường bảo hiểm hiện có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Trước đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được sự tăng trưởng khả quan với tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả ấn tượng của thị trường bảo hiểm đạt được nhờ những yếu tố sau:

Trước hết, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các DN nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã kịp thời hoàn thiện các chính sách hỗ trợ các DNBH, bám sát thị trường, nắm bắt tình hình thị trường để sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả.

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng DN thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho DN, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm.

Tiếp theo, đó là trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các DNBH đã chủ động trong việc thích nghi với hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới như: Chủ động rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến...

Các DN cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng.

Cuối cùng, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, người dân đã chủ động hơn, trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Nhung T. (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn