Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 875.852 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, về công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đáng chú ý đến hết tháng 8, tổng tài sản ước đạt 875.852 tỷ đồng (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước).
Báo cáo hoạt động công tác ngành tài chính tháng 8 của Bộ Tài chính cho biết, về thị trường chứng khoán: Tính đến ngày 31/8, chỉ số VNIndex đạt 1224,05 điểm, tăng 0,1% so với cuối tháng trước và tăng 21,5% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 249,75 điểm, tăng 4,3% so với cuối tháng trước và tăng 21,6% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 31/8/2023 đạt 6.294 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4 % so với cuối năm 2022, tương đương 66,2% GDP ước tính năm 2022.
Đến cuối tháng 8/2023, Thị trường có 741 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 863 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM. Giá trị giao dịch tháng 8 bình quân đạt 26,2 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 23,8% so với bình quân tháng trước, bình quân 8 tháng đạt khoảng 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm 20,1% so với bình quân năm 2022.
Đối với thị trường trái phiếu, hiện nay thị trường có 455 mã trái phiếu (cả Trái phiếu doanh nghiệp và Trái phiếu Chính phủ) niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 8 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 22,1% so với tháng trước; bình quân 8 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24% so với bình quân năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 có hiệu lực thi hành, đến ngày 31/8/2023, có 44 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng là 115,1 nghìn tỷ đồng, (giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 47% (54,5 nghìn tỷ đồng); 54,8% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 164 nghìn tỷ đồng (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (94,2%), nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 5%.
Ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính đã khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tính đến ngày 31/8/2023, có 46 mã trái phiếu và 08 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch; tổng giá trị giao dịch của thị trường đạt khoảng 10,08 nghìn tỷ đồng; tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 38,4 triệu trái phiếu; giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 315 tỷ đồng/ngày; khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1,2 triệu trái phiếu/ngày.
Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm, tổng tài sản ước đạt 875.852 tỷ đồng (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 756.981 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế: ước đạt 733.814 tỷ đồng (tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 668.257 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 576.766 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 542.843 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 182.181 tỷ đồng (tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước). Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 147.130 tỷ đồng (giảm 6,08% so với cùng kỳ năm trước). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 46.529 tỷ đồng (tăng 20,78% so với cùng kỳ).
Tới nay, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm của Bộ Tài chính (hoạt động từ ngày 21/02/2023), tính đến hết ngày 31/8, đã tiếp nhận, xử lý 233 kiến nghị phản ánh qua đường dây nóng điện thoại và 492 kiến nghị phản ánh qua hộp thư điện tử.
Mai PhươngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.