Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng trong năm 2023
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch hoàn thành chỉ tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Tại Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023, do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch của Việt Nam đã phục hồi và tăng tốc, đạt được như kỳ vọng.
Trong năm 2023, chỉ sau 10 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt kế hoạch đề ra; ngành đã đề xuất tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế lên 12,5 - 13 triệu lượt.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt). Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8%; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới"; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước được xác định là một trong những trọng tâm triển khai trong giai đoạn phục hồi. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Công tác quản lý hoạt động lữ hành; quản lý khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch được diễn ra thường xuyên, liên tục; Công tác xúc tiến, quảng bá được tập trung đẩy mạnh; Công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ...
Đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 07 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được uỷ quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 780.000 buồng.
Nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ cho ngành du lịch năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Huyền My (t/h)Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".