Tổng trọng tải của vận tải biển Việt Nam tăng hơn 7%
Đội tàu vận tải biển Việt Nam đã giảm hàng trăm tàu trong giai đoạn vừa qua, nhưng tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải lại tăng trên 7%.
Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm về số lượng. Cụ thể, tính đến tháng 12/2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT. Số lượng tàu trên đã giảm 17 tàu so với năm 2021.
Trước đó, số lượng tàu năm 2020 so với năm 2016 cũng đã giảm trên 200 tàu, tương đương mức giảm 17,2 %. So với giai đoạn 2010-2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu.
Dù giảm về số lượng nhưng tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải lại tăng trưởng trên 7%. Xu hướng tăng thuộc về loại tàu có trọng tải lớn.
Trong tổng số tàu biển Việt Nam, đội tàu vận tải là 1.009 tàu với tổng trọng tải khoảng 10,7 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 6,4 triệu GT.
Đối với tàu hàng rời, tổng hợp có số lượng 709 tàu, chiếm tỷ trọng 70,3%. Tàu chở dầu, hóa chất có 178 tàu chiếm 17,6%. Tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 21 tàu chiếm 2,1%. Đội tàu container có 43 tàu chiếm 4,3% và tàu chở khách có 58 tàu chiếm 5,7% đội tàu vận tải.
Tuổi tàu bình quân của đội tàu vận tải biển chuyên dụng của Việt Nam là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,4 tuổi so với tuổi tàu thế giới (21,9 tuổi, theo UNCTAD).
Trong đó, nhóm tàu có độ tuổi trung bình trẻ nhất là tàu chở khách (7,9 tuổi), nhóm tàu có độ tuổi cao nhất là tàu khí hóa lỏng (23,6 tuổi). Nhóm tàu container 17,7 tuổi và nhóm tàu dầu hóa chất 17,6 tuổi.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Cục Hàng hải Việt Nam nhận thấy tiềm năng phát triển đội tàu biển quốc tế là rất lớn. Cục Hàng hải đã đưa ra một số đề xuất phát triển bao gồm cải tạo tàu và cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý ổn định và thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Về giải pháp tài chính, miễn thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026; miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và vận hành tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch và các tàu vận chuyển khí thiên nhiên hóa dầu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có chủ trương cho phép các chủ tàu Việt Nam có tàu hoạt động tuyến quốc tế có doanh thu ngoại tệ được phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu.
Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao chất lượng thuyền viên. Cục Hàng hải Việt Nam khuyến nghị kêu gọi các nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo trong và ngoài nước.
Ngoài ra, còn có các chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt đối với người lao động hoạt động trong ngành vận tải biển, nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với công việc.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.