Tổng vốn thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia dự kiến trên 217.000 tỷ đồng
Theo Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện là 217.305 tỷ đồng.
Mới đây, Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Hội đồng thẩm định thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, bên cạnh Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Dự thảo Quy hoạch, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc thời kỳ 2021-2030 là 15.848,5 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng chiếm 15,5%, rừng phòng hộ chiếm 33%, rừng sản xuất chiếm 51,5%.
Quy hoạch đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0-5,5%/năm.
Trồng rừng sản xuất bình quân 238.000 ha/năm; trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bình quân 8.600 ha/năm. Phục hồi rừng tự nhiên bình quân 22.500 ha/năm; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2030 đạt trên 1 triệu ha.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Tổng thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỷ/năm giai đoạn 2021-2025 và 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 là 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng gần 107.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nhu cầu vốn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia được xây dựng trong bối cảnh diện tích rừng tăng nhưng chất lượng của rừng chưa cao, nhất là rừng tự nhiên (8,7% rừng giàu, 24,8% rừng trung bình và 66,5% rừng nghèo). Năng suất rừng trồng còn thấp, chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của ngành chế biến gỗ và xuất khẩu.
Trình độ công nghệ trong các lĩnh vực của ngành còn thấp; môi trường đầu tư nhiều rủi ro do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, chủ yếu là tại khu vực có điều kiện khó khăn, hạ tầng cơ sở, dịch vụ kém chất lượng. Tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng như chặt phá, xâm lấn và khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương. Tiềm năng, lợi thế về các giá trị gián tiếp như đa dạng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn gene của rừng chưa được phát huy.
Tại Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt kỳ vọng lớn vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn tới. Ông cho rằng, thông qua Quy hoạch, tiềm năng, lợi thế về các giá trị gián tiếp như đa dạng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn gene của rừng sẽ được cải thiện.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.