Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2024

Doanh nghiệp
11:06 AM 30/11/2024

Ngày 29/11, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2024 và khảo sát về hoạt động của ngành.

Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2024 được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí gồm năng lực tài chính, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật trong tháng 11.

Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh: Int

Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2024 - nhóm ngành giao nhận quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4 gồm: Công ty cổ phần Gemadept, Công ty cổ phần Tập đoàn ITL, Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong, Công ty cổ phần Transimex, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Hàng không Con Cá Heo, Công ty cổ phần Logistics Hàng không, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, Công ty cổ phần Kho Vận Miền Nam và Công ty cổ phần Vinafreight.

Nhóm ngành vận tải hàng hóa có những doanh nghiệp như: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam -CTCP, Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí, Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt, Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc Tế, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, Tổng Công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam, Công ty cổ phần Vinafco, Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam và Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt.

Ngoài 2 nhóm vừa đề cập, Vietnam Report cũng ghi danh Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2024 nhóm ngành khai thác cảng và nhóm chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.

Năm 2024, ngành logistics Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và các yếu tố hỗ trợ từ chính phủ cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát doanh nghiệp logistics của Vietnam Report, biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics trong 9 tháng năm 2023 và năm 2024 thể hiện sự phục hồi rõ rệt của ngành. Năm 2023, doanh thu ngành bị ảnh hưởng mạnh khi 33,3% doanh nghiệp giảm đáng kể, nhưng năm 2024, tình hình khởi sắc với 52,9% doanh nghiệp tăng đáng kể, tỷ lệ giảm đã giảm xuống còn 11,8%.

Năm 2024, có tới 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng, trong đó có 58,8% tăng lên đáng kể và số giảm từ 66,7% xuống còn 5,9%. Dữ liệu này phản ánh tác động tích cực từ sự phục hồi xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ logistics và chính sách hỗ trợ hiệu quả, khẳng định ngành logistics đang dần lấy lại đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025. Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều. Đối với các doanh nghiệp, có 64,7% nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan. Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành.

Ngành logistics Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, từ cải cách thủ tục hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics, khuyến khích ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các chính sách xúc tiến thương mại… 

Để thúc đẩy sự phát triển toàn ngành, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đề xuất những kiến nghị chính sách quan trọng như: Đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin (88,2%); Có thêm chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistic phát triển (88,2%); Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hải quan (82,4%); Cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng (70,6%); Nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới (58,8%).

Với sự đồng hành từ Chính phủ và sự chủ động từ doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam không chỉ khắc phục các bất cập hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý

Ngày 29/11, Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Luật pháp (STLA), thuộc Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Giao dịch thương mại điện tử - pháp lý và thực tiễn".