Top 10 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2025
Bảng xếp hạng năm 2025 so với năm ngoái có nhiều biến động, đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là Tập đoàn đầu tư Ngân Tín và FPT Long Châu đứng ở vị trí thứ 2.
Ngày 07/3/2025, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025.
Bảng xếp hạng FAST500 đã bước sang năm thứ 15 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên các tiêu chí chính như: tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế, uy tín truyền thông…

Nguồn: Vietnam Report
Bảng xếp hạng năm 2025 so với năm ngoái có nhiều biến động. Theo đó, Top 10 Bảng xếp hạng FAST500 năm 2025 gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Ngân Tín; CTCP Dược phẩm FPT Long Châu; CTCP Công nghệ thông tin Nam Á; Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm; CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco; CTCP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận; CTCP Petro Times; CTCP Sữa Vitadairy Việt Nam; CTCP Kỹ thuật và Xây dựng Searefico; CTCP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành.
Chỉ có 2 doanh nghiệp trong top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2024 có mặt trong top 10 năm 2025 là Taseco Land và Nhựa Bình Thuận. Trong đó, Taseco Land năm 2024 đứng top 7 nhưng năm 2025 đã vươn lên vị trí thứ 5. Nhựa Bình Thuận từ vị trí thứ 1 tụt xuống vị trí thứ 6.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là Tập đoàn đầu tư Ngân Tín và FPT Long Châu đứng ở vị trí thứ 2.
Kết quả thống kê tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu trung bình của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2020-2023 cho thấy đã có phần chững lại so với những năm trước khi chỉ đạt 22,0%, giảm 3,29% so với năm trước, phản ánh phần nào sức ép suy giảm chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường kinh doanh ảm đạm.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực tư nhân có CAGR trung bình đạt 23,5% là khu vực dẫn đầu, giảm 3,1% so với năm trước. Tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức CAGR trung bình đạt 17,5%, giảm 4,5% so với năm trước.
Cuối cùng là khu vực Nhà nước đạt 17,5%, giảm 0,2%. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng thấp nhất nhưng đây là khu vực duy trì được mức tăng trưởng CAGR trung bình ổn định trong 3 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Vietnam Report, so với các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 đã thể hiện sự bền bỉ ấn tượng trước những biến động từ đại dịch COVID-19 và các yếu tố vĩ mô trong giai đoạn từ năm 2020 trở lại đây.
Thống kê từ dữ liệu xếp hạng của Vietnam Report cập nhật số liệu tài chính năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp FAST500 không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định trong giai đoạn 2020-2023 mà tiếp tục có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Điều này khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, khả năng thích ứng, duy trì động lực phát triển bền vững thông qua nền tảng tài chính và chiến lược kinh doanh bài bản của cộng đồng doanh nghiệp FAST500.
Huyền My (t/h)
Quý III/2025 sẽ là thời điểm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến đỉnh, tạo sức ép lớn lên dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt trong bối cảnh môi trường tín dụng thận trọng và tiêu chuẩn phát hành ngày càng siết chặt.