TP Bank đạt 4.959 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16,3%

Ngân hàng
09:43 AM 21/11/2023

Tính chung cả 9 tháng năm 2023, TP Bank ghi nhận 4.959 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nợ nhóm 3 là nợ cần chú ý tăng mạnh nhất, tăng 748,3% so với đầu năm lên 3.266 tỷ đồng.

"Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023" do The Asian Banker công bố hồi đầu tháng 11 này, ở nhóm ngân hàng Việt, đứng đầu là TP Bank với thứ hạng trên bảng khu vực 165/500. Nhà băng này đạt điểm cao về các điểm thành phần về cơ cấu nợ, cơ cấu tiền gửi, tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi, hệ số CAR... với tổng 6,05. Năm ngoái, ngân hàng này cũng dẫn đầu nhóm Việt với vị trí toàn bảng 61/500.

Cùng với danh hiệu ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động kinh doanh của TP Bank cũng có phần được cải thiện.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý 3/2023 của TPBank, thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của TPBank 9 tháng đạt 981,5 tỷ đồng, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu trừ đi chi phí mua bán chứng khoán đầu tư, ngân hàng lãi 859 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 143,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt giúp ngân hàng thu về gần 437 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả 9 tháng năm 2023, TPBank ghi nhận 4.959 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.

TP Bank đạt 4.959 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 16,3%- Ảnh 1.

Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này tính đến ngày 30/9/2023 đạt 193.753 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm, tương đương giảm 1.207 tỷ đồng.

Mặc dù lượng tiền gửi của khách hàng giảm, TPBank vẫn phải trả lãi tiền gửi khá lớn - 9.990 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 5.226 tỷ đồng) do chạy đua tăng lãi suất hồi cuối năm 2022. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn chịu các khoản chi phí trả lãi tiền vay tăng 62,2%.

Dư nợ tín dụng của ngân hàng này tính đến ngày 30/9/2023 đạt 195.813 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm 2023 và đạt 90,75% kế hoạch cả năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 179.946 tỷ đồng, tăng 11,8%, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 15.867 tỷ đồng, giảm mạnh 26,6% so với đầu năm. Có thể nói, quý 3/2023 là một trong những quý có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của TPBank.

Hoạt động tín dụng của Ngân hàng TPBank dự kiến sẽ tăng 2,3% trong quý 4/2023, kéo lợi nhuận ròng quý 4/2023 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tín dụng cả năm nay của Ngân hàng TPBank sẽ tăng 9,5%.

Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này tính đến ngày 30/9/2023 đạt 193.753 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm, tương đương giảm 1.207 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do diễn biến lãi suất huy động đã giảm mạnh trong quý 3/2023 khiến huy động vốn của ngân hàng gặp khó.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng quý 3/2023 của TPBank tăng lên 3% từ mức 2,2% cuối quý 2/2023 và 0,84% cuối năm 2022. Đầu năm, Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 2,2%.

Nợ nhóm 2 tăng 0,26% so với quý 2/2023 và tăng 119,5% so với cuối năm 2023; chiếm 3.8% trên tổng dư nợ cuối quý 3.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, chủ yếu bởi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh 8,5 lần và 3 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 là nợ cần chú ý tăng mạnh nhất, tăng 748,3% so với đầu năm lên 3.266 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 37,4% lên 694 tỷ đồng, nhưng đã giảm 2,54% so với quý 2/2023.

Trong quý 3/2023, TPBank đã sử dụng 1.295 tỷ đồng để xử lý các khoản nợ khó đòi, 1.293 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng lên 1.976 tỷ đồng.

Các chỉ số an toàn khác được TPBank duy trì ở mức tốt, trong đó hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III đạt 11%, thuộc top cao của ngành ngân hàng. Kết thúc 9 tháng, tổng tài sản của TPBank tăng 5% so với cuối năm trước, đạt trên 344.400 tỷ đồng. Đầu năm 2023, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%.

Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho TPBank với kỳ hạn 7 năm. Khoản tín dụng sẽ được TPBank hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, trong đó có nhóm khách hàng nữ thu nhập thấp và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam.

Mai Phương
Ý kiến của bạn