TP. Cần Thơ chào đón năm mới với nhiều khát vọng

Địa phương
10:46 AM 02/02/2022

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ thực hiện nhiều giải pháp nên tình hình kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ dần phục hồi, góp phần ổn định đời sống của người dân. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ về những dấu ấn đạt được trong năm 2021 cũng như những khát vọng trong năm 2022.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Phóng viên: Thưa ông, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay đã làm ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của TP. Cần Thơ?

Ông Trần Việt Trường: Năm 2021, TP. Cần Thơ chịu nhiều tác động do dịch COVID-19, đặc biệt là từ giữa tháng 7, khi dịch bùng phát tại TP. Cần Thơ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, du lịch… phải tạm ngưng hoạt động, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của nền kinh tế và đời sống của nhân dân thành phố.

Trong đó, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thực hiện tạm giãn ca, giảm ca, giảm tiến độ sản xuất để phòng, chống dịch bệnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn tạm dừng hoạt động vì, một số sản phẩm chủ lực chưa khôi phục lại thị trường; tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực công nghiệp chậm và thấp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngoài ra, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, doanh thu các ngành kinh doanh đều giảm mạnh ở các nhóm sản phẩm không thiết yếu; xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt là hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, ước năm 2021, tổng số khách đến thành phố là 2.101,2 ngàn lượt, đạt 33,9% kế hoạch, giảm 62,5% so năm 2020.

Về nông nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhất là thiên tai, giông lốc, sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến đời sống và nhu cầu đi lại của người dân.

Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao bị tạm dừng do giãn cách xã hội. Tình hình đời sống, việc làm của người dân, lao động còn khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngưng hoặc doanh nghiệp giải thể…

Phóng viên: Xin ông cho biết, TP. Cần Thơ đã thực hiện những biện pháp gì để phục hồi phát triển kinh tế?

Ông Trần Việt Trường: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố luôn kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội", ban hành kế hoạch, phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng trong trạng thái bình thường mới, nên TP. Cần Thơ vẫn đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, trong tổng số 17 chỉ tiêu chủ yếu, có 11 chỉ tiêu vượt và đạt chỉ tiêu, còn 6 chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, song đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tình hình kinh doanh các ngành dịch vụ có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, lượng cung cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Việc đẩy mạnh các kênh bán hàng online thay thế việc mua sắm trực tiếp, giúp người dân có thêm lựa chọn an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Năm 2021, TP. Cần Thơ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều khởi sắc với 6 dự án mới, vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD.

Năm 2021, TP. Cần Thơ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều khởi sắc với 6 dự án mới, vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, TP. Cần Thơ còn tập trung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chủ lực, bố trí lại sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng khu vực…

Các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp tạo được hiệu ứng lan tỏa. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thành phố tiếp đón nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư. Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có khởi sắc với 6 dự án mới, vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD.

Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, đi đôi với việc cân đối, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Riêng phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu cũng được TP. Cần Thơ đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2021, ước có thêm công nhận 6 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 2 xã so chỉ tiêu Nghị quyết; nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 16/36 xã.

Về kết quả thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" cũng được triển khai tích cực, dự kiến cả năm công nhận 22 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, vượt 10% kế hoạch; nâng tổng số có 41 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.

Phóng viên: Ngoài thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế thì việc chăm lo cho đời sống người dân nhất là người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được TP. Cần Thơ quan tâm như thế nào?

Ông Trần Việt Trường: Đối với TP. Cần Thơ việc chăm lo cho đời sống người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, ngoài việc tập trung phòng, chống dịch và thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế, TP. Cần Thơ còn chú trọng quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân luôn được đặt lên trước hết, trên hết.

Theo đó, trong năm 2021, bên cạnh triển khai tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội, TP. Cần Thơ cũng đã giải quyết việc làm cho 41.348 người, đạt 82,2% kế hoạch; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo đạt 100% đối tượng.

Đồng thời, TP. Cần Thơ còn chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 913 hộ, chiếm tỷ lệ 0,25% tổng số hộ.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, hàng năm TP. Cần Thơ còn tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo, từ đó đánh giá nguyên nhân và có những giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Hiện TP. Cần Thơ dự kiến rà soát theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 vào cuối năm 2021 khoảng 24.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,75%.

Ngoài ra, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP. Cần Thơ đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (tính đến ngày 09/12/2021) với 3.702/3.702 người sử dụng lao động, 430.029 lượt người (đạt 86,27%), tổng kinh phí trên 785 tỷ đồng.

TP. Cần Thơ chào đón năm mới Nhâm Dần 2022 với nhiều khát vọng.

TP. Cần Thơ chào đón năm mới Nhâm Dần 2022 với nhiều khát vọng.

Đặc biệt là tổ chức hỗ trợ khẩn cấp người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do dịch COVID-19 với 3.139 người, kinh phí gần 1,57 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ nhà nước cho người dân gặp khó khăn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho 334.366 người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với 5.015.490 kg gạo...

Có thể nói, việc thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về việc làm, dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội… đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới, TP. Cần Thơ cần những định hướng quan trọng nào để kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục phát triển?

Ông Trần Việt Trường: Để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề hoàn thành toàn diện và thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường và đẩy mạnh thu hút đầu tư, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thành phố; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả hơn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển thành phố, đặc biệt là tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng và dịch vụ logistics.

Quan tâm phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tin rằng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của mình, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục vững bước trong năm 2022 với nhiều khát vọng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cuộc trao đổi này!

Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.