TP Cần Thơ: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để sớm phục hồi hoạt động du lịch sau dịch bệnh Covid-19
Cơ cấu lại thị trường, xây dựng các kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, kiểm soát để đưa ngành du lịch Cần Thơ phát triển, trở lại vị thế dẫn đầu ngành du lịch ĐBSCL.
“Cần Thơ - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng”.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến nước ta. Trong đó, tình hình hoạt động du lịch TP. Cần Thơ bị tác động và ảnh hưởng rất lớn, quý I/2020 khách du lịch giảm so với cùng kỳ, doanh nghiệp du lịch thì tạm ngưng hoạt động, để phòng chống dịch. Trong đó, khách lưu trú giảm 59,4% chỉ đạt 284.795 lượt khách; hoạt động lữ hành cũng giảm 58,2%, đạt 19.300 lượt khách; doanh thu giảm 62,1%, đạt 433.714 triệu đồng. Ước kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2020 sẽ giảm 80,1%; doanh thu du lịch giảm 80,3%, đạt 445.887 triệu đồng.
Trường hợp dịch được kiểm soát vào cuối tháng 4/2020, các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí được hoạt động trở lại, thì ngành du lịch TP. Cần Thơ không thể phục hồi ngay, cần có thời gian mới phục hồi lại được. Dự báo năm 2020, lượng khách lưu trú đến TP. Cần Thơ chỉ đạt 530.145 lượt, giảm 82,4% so với cùng kỳ năm 2019. Quý II/2020, khách lưu trú chỉ có 14.350 lượt, giảm 98,2% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế khách quốc tế đến du lịch TP. Cần Thơ cũng còn hạn chế ở thời điểm này vì yếu tố an toàn cho dù việc phòng, chống và điều trị dịch Covid-19 tốt trong thời gian qua của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Đây cũng là cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng về cơ hội quảng bá điểm đến an toàn.
Bến Ninh Kiều, nơi rất đông du khách đến tham quan mỗi ngày.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến lượng khách du lịch quốc tế giảm, ngành du lịch chưa phục hồi ngay là do kinh tế thế giới suy giảm, lao động phải tập trung làm việc trở lại sau dịch, chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu Covid-19, khách không có thời gian đi du lịch xa hay dài ngày. Ngoài ra, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ được thực hiện từng bước. Khả năng ngành du lịch sẽ phục hồi lại và có bước phát triển mới vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Ngoài ra, khách nội địa cũng còn tâm lý dè dặt khi đi du lịch, hạn chế tiếp xúc đông người. Việc phòng, chống dịch ở Việt Nam rất tốt nên nhu cầu đi du lịch sau dịch ở thị trường nội địa vẫn còn khả quan. Vì vậy, thị trường khách du lịch nội địa sẽ là thị trường mục tiêu của du lịch Cần Thơ. “Điểm đến an toàn” sẽ là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với du khách, cho nên công tác truyền thông “Cần Thơ - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng” là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu du lịch, phục hồi khách du lịch sau dịch Covid-19. Tuy, khách quốc tế còn nhiều khó khăn trong năm 2020, song Cần Thơ đã và đang xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch dành cho thị trường khách quốc tế, sẵn sàng cho việc khôi phục thị trường khách quốc tế vào năm 2021.
Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ cho phép các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ tham gia chương trình kích cầu giảm giá, nhằm đưa ra các gói tour hấp dẫn thu hút khách. Liên kết với các doanh nghiệp ĐBSCL cùng tham gia kích cầu chung cho ĐBSCL qua việc tổ chức Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCM và Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội.
Đặc biệt, TP. Cần Thơ còn tổ chức đón đoàn báo chí (Presstrip), các đoàn lữ hành (Famtrip) đến thành phố Cần Thơ để trải nghiệm điểm đến an toàn. Tập trung thị trường quốc tế trọng điểm, đẩy mạnh khai thác các nước có đường bay hiện hữu đến Cần Thơ như: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Cần Thơ.
Ninh Kiều có “Cầu tình yêu”, có bến sông đẹp nơi thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Ngoài ra, TP. Cần Thơ cần bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, tiếp tục vay vốn với mức lãi suất ưu đãi theo quy định, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cấp, chỉnh trang trang thiết bị và cơ sở vật chất thu hút khách du lịch, cũng như vận động các doanh nghiệp du lịch (lưu trú, lữ hành, khu, điểm du lịch...), doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (vận tải, mua sắm, ăn uống…) liên kết xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, đảm bảo số lượng, chất lượng dịch vụ, nhằm giới thiệu đến các công ty lữ hành trong và ngoài thành phố xây dựng tour đưa khách tham quan và sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp du lịch.
Ngoài những dịch vụ du lịch truyền thống, ngành du lịch thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm mới, hướng đến các dịch vụ như: du lịch đường sông; hoạt động dịch vụ về đêm; hạ tầng du lịch gắn với hội nghị, hội thảo; các khu, điểm tham quan du lịch gắn với thiên nhiên.
Tập trung phát triển các sản phẩm dành cho khách hàng trẻ tuổi (tổ chức các hoạt động team building, trải nghiệm du lịch nông nghiệp...); sản phẩm nghỉ dưỡng (phục hồi sức khỏe dành cho khách lớn tuổi đã nghỉ hưu)…, mong rằng với những bước tiến đi trước đón đầu, du lịch TP. Cần Thơ sẽ sớm phục hồi và có bước tiến phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Mộng Trinh - Hồng Ân
Số liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.