TP. Cần Thơ: Sai phạm hậu Cổ phần hoá, cần sớm xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm (Kỳ 3)
Vốn chủ sở hữu nhà nước bị lỗ âm. Vốn cổ đông có nguy cơ mất trắng. Doanh nghiệp phải gánh nợ ngân hàng 150 tỷ đồng không có khả năng chi trả chưa xử lý dứt điểm, đã kiềm hãm sự phát triển sản xuất – kinh doanh và đẩy Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Công ty Sohafood) đến bờ vực phá sản vì không còn nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Từ một lời hứa và cách làm việc tắc trách
Tại Biên bản họp Hội đồng quảnh trị (HĐQT) số 35/2013/BB-HĐQT, ngày 14/11/2013, về việc đề cử ông Nguyễn Tấn Thanh tiếp tục là người đại diện theo pháp luật công ty, ông Nguyễn Tấn Thanh đã cam kết:
- Sẽ bỏ vốn đối ứng để vay ngân hàng với số tiền từ 20 – 30 tỷ đồng và cho Công ty Sohafood làm vốn đối ứng hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ cho dân. Lịch trình sẽ thanh toán mỗi tuần từ 03-05 tỷ đồng. Thanh toán dứt điểm cho dân đến tháng 06/2014.
- Lợi nhuận dự kiến từ tháng 11/2013 đến tháng 06/2014 là 1,1 tỷ đồng/ tháng.
– Từ tháng 06/2014 đến tháng 12/2014 sẽ bắt đầu nuôi cá rô phi, chiếm tỷ lệ 30%, cá tra chiếm tỷ lệ 70%. Kinh doanh thêm lĩnh vực chế biến thức ăn.
- Năm 2015 thì tỷ lệ cá tra còn 30%, cá rô phi 70%. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông Trần Văn Trí đã yêu cầu một số vấn đề sau: Đề nghị giữ nguyên toàn bộ bộ máy quản lý cũ; quản lý theo từng cấp từ Hội đồng cổ đông đến Hội đồng quản trị và đoàn kết thành…tổng gia đình.
Phương thức hoạt động của HĐQT liên quan đến các vấn đề của công ty như: Đóng góp ý kiến, vấn đề thu - chi, …thành viên HĐQT làm việc qua mail (thư điện tử). Kết quả trả lời mail thay cho nghị quyết của HĐQT. Vào thời điểm này, HĐQT vẫn chưa chuẩn bị được quy chế hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát. (!?)
Có phải, kể từ giai đoạn này, doanh nghiệp cổ phần hóa, hình thành từ nguồn vốn chủ đạo của Nhà nước, bị lỗ âm do lãi suất vay ngân hàng ngày càng chồng chất và dần trở thành công ty của "tổng gia đình" để rồi phá sản trong thời gian sau đó?
Không có quy chế hoạt động, không cần Điều lệ công ty và các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ pháp lý nào để HĐQT điều hành doanh nghiệp? Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tài sản bị phát mãi, doanh nghiệp không tránh khỏi nguy cơ phá sản
Ngày 14-16/8/2018, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ tiến hành xét xử vụ án kinh doanh thương mại về việc "Tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuê khoán" giữa nguyên đơn – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – TP. Cần Thơ (ngân hàng Agribank) và bị đơn – Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Công ty Sohafood).
Theo Đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án: Công ty Sohafood đã ký hợp đồng vay vốn tại ngân hàng Agribank theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 01 ngày 11/7/2015, hạn mức tín dụng ban đầu là 125 tỷ đồng. Mục đích kinh doanh: Vay vốn lưu động hoạt động kinh doanh, thời hạn kết thúc là ngày 30/9/2016.
Tại phiên tòa, Công ty Sohafood công nhận số nợ gốc và lãi hơn 147 tỷ đồng (vốn gốc hơn 122 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 19 tỷ đồng, lãi quá hạn gần 6 tỷ đồng). Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Sohafood phải trả cho ngân hàng Agribank số tiền gốc và lãi quá hạn, tính đến ngày 14/8/2018 là: 147.600.827.439 đồng và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng hạn mức số 01/HMTD.2015 cho đến khi thanh toán dứt điểm số nợ trên.
Trường hợp bị đơn không trả số tiền nợ thì phát mãi tài sản thế chấp: Nhà xưởng, kho, thiết bị, xe ô tô, công trình xây dựng và máy móc thiết bị tọa lạc trên đất theo các hợp đồng thế chấp tài sản.
Ngày 27/5/2020, Tòa án nhân dân TP. Cần thơ tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 09/2020/TLPT-KDTM ngày 02/01/2020 về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng". Tòa án nhân dân TP. Cần thơ tuyên xử chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Agribank, chấp nhận yêu cầu độc lập của Nông trường Sông Hậu và bác yêu cầu phản tố của Công ty Sohafood.
Ngày 19/3/2021, Công ty đấu giá hợp danh Dũng Trung Nam – Chi nhánh Cần Thơ phát Thông báo số 165/TB-DTN về việc đấu giá tài sản của Công ty Sohafood theo nội dung 02 bản án nói trên. Tổng giá khởi điểm của phiên đấu giá lần thứ nhất, tổ chức vào ngày 16/4/2021, với tài sản thế chấp chỉ còn lại vỏn vẹn hơn 36 tỷ đồng. Việc tổ chức đấu giá không thành công do không có người tham gia đấu giá, trả giá. Ngày 03/5/2021, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ ra Quyết định số 49/ QĐ-CCTHADS về việc giảm giá tài sản (lần 1), sau khi giảm giá 10%, còn lại là: 34.844.901.638 đồng.
Cần sớm làm rõ sai phạm để thu hồi tài sản nhà nước
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Công ty Sohafood) đã bộc lộ nhiều sai phạm trong quản lý vốn nhà nước, tài sản của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian dài, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Theo Luật gia Nguyễn Đức Hải - Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh (Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam): Trong nền kinh tế thị trường, thời gian thu hồi vốn là rất quan trọng đối với ngân hàng để quay vòng vốn, tái đầu tư, tạo lợi nhuận phát triển kinh doanh. Thực tế, qua loạt bài của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã phản ánh, thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, các dấu hiệu sai phạm rất nghiêm trọng từ những lãnh đạo doanh nghiệp này nhưng chưa được các cơ quan chức năng làm rõ.
Liên quan đến tố tụng dân sự, sau khi thụ lý đơn khởi kiện và hòa giải không thành, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đã không quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn tố tụng do pháp luật quy định (thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan). Có vụ án kinh doanh – thương mại thuộc trường hợp phải đình chỉ nhưng kéo dài đến 5 năm mà Tòa án vẫn không ra quyết định đình chỉ vụ án theo yêu cầu của đương sự (đã được đăng tải trong các số trước – NV). Dù yêu cầu này đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách để khơi thông "dòng máu đông", thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp xử lý nợ xấu để ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song song với các biện pháp vĩ mô, các ngân hàng đã và đang trực tiếp xử lý nợ xấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tái đầu tư và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Xác định nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không thể có trong điều kiện hiện nay, nên ngân hàng cần tập trung thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Các cơ quan hữu quan cần sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ sai phạm từ các hành vi cố tình làm trái quy định, xảy ra tại Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu trên tinh thần công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Đây là nhiệm vụ thiết thực theo tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Minh Chánh - Đoàn DuyGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.