TP Cần Thơ: Xét xử "đại án" 1.000 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ

Địa phương
09:56 AM 07/06/2021

TAND thành phố Cần Thơ quyết định đưa vụ án vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) ra xét xử vào ngày 7/6/2021.

TP Cần Thơ: Xét xử "đại án" 1.000 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Agribank Cần Thơ (Ảnh: Phương Nguyên)

"Đại án" hơn 1000 tỉ đồng này đã từng gây chấn động giới ngân hàng vì chính những cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho 7 "doanh nghiệp" nâng khống giá trị tài sản để vay số tiền "khủng", dẫn đến mất khả năng chi trả.

Theo TAND thành phố Cần Thơ, quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo: Lê Thanh Hải - nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ, Trần Huy Liệu - nguyên Phó Giám đốc Agribank Cần Thơ, Bùi Tuấn Anh - nguyên Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam, Phạm Tường Thi - nguyên Giám đốc Công ty Tân Tiến và Nguyễn Văn Đạt - nhân viên Công ty Tân Tiến về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Trước đó, sau 2 lần tạm đình chỉ vụ án, vào tháng 3/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã phục hồi điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Agribank Cần Thơ. Quyết định phục hồi điều tra này căn cứ trên kết quả định giá lại tài sản thế chấp để xác định giá trị thiệt hại.

Theo kết quả định giá lại của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc ở Trung ương xác định giá trị tài sản là giá đất thị trường tại thời điểm trúng đấu giá đối với lô đất số 12 đường Nguyễn Trãi, Q.Ninh Kiều. Giá đất trúng đấu giá tại thời điểm tháng 9/2012 chỉ hơn 104 tỷ đồng nhưng bị can Đạt Nhân đã thế chấp cho Agribank Cần Thơ để vay gần 232 tỷ đồng. 

TP Cần Thơ: Xét xử "đại án" 1.000 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ - Ảnh 2.

Miếng đất siêu thị trúng đấu giá 104 tỷ nhưng được các bên cấu kết, nâng khống giá trị (Ảnh: Phương Nguyên)

Chính vì điều này mà VKS xác định các bị can đã câu kết nâng khống giá trị tài sản thế chấp cho ngân hàng. Theo VKS, tổng giá trị tài sản thế chấp của các bị can bao gồm bất động sản, thiết bị, máy móc… được xác định (tháng 8/2018) chỉ trên 413 tỷ đồng, nhưng đến nay dư nợ ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ cho thấy, từ năm 2006 đến 2013, bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã lập 7 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề khác nhau và chỉ định nhân viên của mình đứng tên các công ty, doanh nghiệp và Nhân là người đứng ra chỉ đạo, thống nhất mọi hoạt động của các công ty này. Mục đích lập ra nhiều công ty để vay vốn ngân hàng, rồi sử dụng số tiền vay sai mục đích, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản rất lớn cho Agribank Cần Thơ. 

Tính đến 2015, 7 công ty và cá nhân của Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vay sử dụng trên 1.500 tỷ đồng. Nhiều khoản vay sau đó rơi vào nhóm nợ xấu, khó có thể thu hồi do các khoản vay chủ yếu để trả lãi, đảo nợ, đầu tư vào bất động sản, sử dụng cá nhân… Trong số này, bị can Đạt Nhân đã mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Agribank Cần Thơ trên 303 tỷ đồng.

TP Cần Thơ: Xét xử "đại án" 1.000 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ - Ảnh 3.

Bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân "tươi cười" tại Cơ quan an ninh điều tra lúc bị bắt giam (Ảnh: Phương Nguyên )

Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ chỉ rõ, vì mục đích cá nhân muốn đầu tư vào bất động sản nhưng không có vốn nên bị can Đạt Nhân đã cùng với Hải, Liệu bàn bạc, thống nhất lợi dụng chính sách ưu đã lãi suất 0% trên gói vay của Chính phủ để lập hồ sơ khống, sai đối tượng nhằm vay vốn, trục lợi. Việc giải ngân của Agribank Cần Thơ sai hoàn toàn về trình tự thủ tục quy định của pháp luật và của ngành ngân hàng. Cụ thể, chỉ một tài sản là siêu thị Citimart vừa trúng đấu giá chỉ 104 tỷ đồng, chưa có giấy tờ hợp pháp thì Nhân đã bàn với bị can Hải, Liệu để giải ngân nhiều lần với số tiền rất lớn.

Để toàn quyền sử dụng số tiền từ ngân hàng, che đậy, làm mất dấu dòng tiền, Nhân đã thuê nhân viên làm giám đốc, lập ra nhiều công ty và chỉ đạo cấp dưới làm tổng thầu cung cấp máy móc, thiết bị. Nhiều máy móc thiết bị, tài sản thế chấp ngân hàng đều được nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần để được vay số tiền khổng lồ. Số tiền vay được từ gói vay hỗ trợ lãi suất 0%, bị can Đạt Nhân đã dùng vào việc trả nợ cho mẹ ruột 10 tỷ đồng, gửi tiết kiệm ngược lại cho Agribank Cần Thơ gần 150 tỷ đồng để lấy lãi gần 1 tỷ đồng, mua mảnh đất trên đường Nguyễn Trãi gần 60 tỷ đồng, chi xài cá nhân trên 21 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi cho các các khoản vay trên 92 tỷ đồng…

Trong gói vay hỗ trợ lãi suất, các cán bộ ngân hàng đã ký duyệt hỗ trợ lãi suất cho bị can Nhân 49 lần với số tiền gần 62 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lãi hỗ trợ lãi suất này được Agribank Cần Thơ "đẩy" hạch toán vào tài khoản phải thu của Bộ Tài chính.

Khi bị công an phát hiện ra sai phạm, bị can Đạt Nhân đã chỉ đạo cấp dưới lập ra nhiều chứng từ khống bổ sung, mặt khác đã tiêu hủy tài liệu, vật chứng để đối phó cơ quan điều tra. Riêng bị can Nhân, lúc bị công an bắt còn xé biên bản làm việc. Về phía Agribank Cần Thơ, sau khi làm việc với công an đã quyết định chuyển gói vay hỗ trợ lãi suất 0% sai quy định, sai đối tượng sang gói vay thương mại thông thường để khắc phục hậu quả.

Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.