TP. Đà Lạt: Xác định các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025

Địa phương
09:22 AM 13/07/2021

TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã xác định 5 khâu đột phá và đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.

TP. Đà Lạt (Lâm Đồng): Xác định các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 1.

Đạt và vượt chỉ tiêu

Theo đánh giá của UBND TP. Đà Lạt, trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng và phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn tăng trên 10% (so sánh với 2010). Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 110 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế của Đà Lạt trong 5 năm qua chuyển dịch đúng hướng. Tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ - thương mại của thành phố đến nay chiếm 67 - 67,5%, công nghiệp - xây dựng 18 -18,5%; nông nghiệp chỉ còn chiếm 14-14,5%.

Đà Lạt đến nay đã khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch; chất lượng du lịch - dịch vụ ngày càng được nâng cao. Lượng du khách đến Đà Lạt mỗi năm đều tăng, số lượng du khách tăng trung bình 9% hằng năm (không tính giai đoạn dịch bệnh tác động hiện nay). Trong đó, khách nước ngoài chiếm 12-13%, thời gian lưu trú bình quân 2,5 ngày/khách.

TP. Đà Lạt đã không ngừng đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý phát triển rừng. Đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích của thành phố đã đạt mức 400 triệu đồng/ha/năm.

Với 5 chương trình trọng tâm, 6 nhóm công trình trọng điểm đã được thành phố triển khai đảm bảo tiến độ. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 17%/năm. Tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 11,3%. Trong đó, thuế, phí tăng bình quân từ 15-16%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 388 triệu USD.

Đến nay kết cấu hạ tầng của thành phố tiếp tục được đầu tư và nâng cấp; tăng cường chỉnh trang đô thị, hoàn thiện cơ sở vật chất trong các lĩnh vực giáo dục, y tế. Hiện có 60% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 70% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ tham gia bảo hiểm toàn dân đạt 90%; toàn bộ các gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; rác thải sinh hoạt thu gom đạt 98%, rác thải nông nghiệp đạt 80%; tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố đạt khoảng 51%.

Thành phố cũng tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; xây dựng nếp sống văn minh; triển khai hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến cuối năm 2019, thành phố đã cơ bản không còn hộ nghèo.

Đến nay, toàn bộ 16/16 phường, xã trên địa bàn đều có nhà văn hóa; toàn bộ 204/204 tổ dân phố, thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó có trên 57,8% tổ dân phố, thôn có hội trường (118 /204 tổ dân phố, thôn).

Đà Lạt cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra những bước chuyển biến tích cực; nâng cao hiệu lực công tác điều hành của chính quyền các cấp; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, không để tồn đọng đơn thư và không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.

TP. Đà Lạt (Lâm Đồng): Xác định các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 2.

5 khâu đột phát

Đà Lạt trong thời gian đến vẫn được xác định là trung tâm giáo dục, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, là trung tâm du lịch chất lượng cao trong nước và quốc tế; là đô thị thông minh, có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển toàn diện, bền vững.

Trong dịp này, Đà Lạt đã đưa ra 5 khâu đột phá cho giai đoạn 2021-2025, bao gồm phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác quản lý theo quy hoạch.

Đà Lạt cũng xác định các công trình, dự án trọng điểm trong 5 năm tới gồm: nâng cấp hệ thống hạ tầng quanh hồ Xuân Hương; xây dựng tuyến đường giao thông nối đường Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, xây dựng kè chắn Hồ lắng số 1 và suối Cam Ly; mở rộng Công viên Yersin giai đoạn 3; xây dựng công viên Trần Quốc Toản và xây dựng hạ tầng thành phố thông minh.

Trong mỗi lĩnh vực, Đà Lạt đều đưa ra các định hướng chính. Chẳng hạn, trong nông lâm nghiệp, định hướng chung là nâng cao giá trị thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"; phối hợp xây dựng trung tâm giao dịch hoa; đẩy mạnh liên kết sản xuất; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Trong công nghiệp - xây dựng thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; chế biến dược liệu, dược phẩm; phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch; đảm bảo hiệu quả đầu tư công.

Tương tự, trong các lĩnh vực còn lại như: Đầu tư phát triển, phát triển doanh nghiệp hợp tác xã; thu chi ngân sách; văn hóa - xã hội; trong quản lý đô thị, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh, Đà Lạt đều đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Đặc biệt là việc tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị; tập trung chỉnh trang đô thị, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị; trồng chăm sóc hoa, cây xanh, đưa Đà Lạt hướng đến một đô thị tăng trưởng xanh.

Hạ Duyên
Ý kiến của bạn