TP. Đà Nẵng: Cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội
Trước nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã vừa có văn bản về việc tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, khó lường, người bị nhiễm có khả năng chuyển biến nguy kịch; tỷ lệ người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn rất cao. Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, để chuẩn bị việc cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 và Quyết định số 2836/QĐ-UBND ngày 21/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn cung hàng hóa đảm bảo nhu cầu cho người dân cùng với sự chủ động dự trữ hàng hóa của người dân và sự hỗ trợ kinh phí, hàng hóa của thành phố, các nhà tài trợ nên trong thời gian đầu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.
Tuy nhiên từ ngày 22/8/2021 đến nay, do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều, nhu cầu đặt hàng tăng cao. Trong khi đó, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối (chỉ đáp ứng tối đa 25-30% nhu cầu trong điều kiện bình thường) bị hạn chế do phải đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch (lượng nhân viên, số lượng phương tiện vận chuyển bị hạn chế, làm việc 3 tại chỗ,...); các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa,...(đáp ứng 70-75% nhu cầu trong điều kiện bình thường) dừng hoạt động nên khi nhu cầu mua hàng hóa tăng cao trong cùng một thời điểm đã dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng hàng hoá trên địa bàn thành phố.
Nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên, kịp thời tăng thêm năng lực cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc; cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được hoạt động; phối hợp đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hoá; tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân. Sau khi có chủ trương của lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương sẽ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
Với kế hoạch cung ứng hàng hóa đã được chuẩn bị cùng với kinh nghiệm và những kết quả đã đạt được, hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng sẽ được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách.
Phùng SơnBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.