TP. Hải Dương: Chưa trồng được bao lâu, hàng loạt cây xanh đã chết khô
Vừa qua, người dân tại xã Liên Hồng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương phản ánh về việc hàng loạt cây xanh to, trưởng thành bị chết khô dù mới trồng được gần 3 tháng.
Theo người dân, những cây xanh to và trưởng thành này được chuyển từ đường Trường Chinh về trồng tại xã Liên Hồng với số lượng khoảng 100 cây. Tuy nhiên, chỉ gần 3 tháng, khoảng 70% cây trồng tại đây đã bị chết khô, khiến ai cũng xót xa.
Khi trồng những cây xanh này, người dân hi vọng sẽ sớm có bóng mát trên đường, thế nhưng bóng mát chưa thấy đâu thì cây đã chết, gây lãng phí ngân sách.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc M. trú tại xã Liên Hồng, TP. Hải Dương cho biết, đầu năm 2021, rất nhiều cây xanh gồm nhiều chủng loại trên đường Trường Chinh, TP. Hải Dương được đánh chuyển đi và thay thế bằng các loại cây khác. Đây là một sự lãng phí không cần thiết, và việc chuyển khoảng 100 cây to, trưởng thành về trồng tại xã Liên Hồng được mấy tháng thì chết khiến người dân địa phương bức xúc.
"TP. Hải Dương đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chúng tôi nghĩ rằng kinh phí cho việc trồng cây nên để hỗ trợ chống dịch và phát triển kính tế, giúp người dân vượt qua khó khăn thì tốt hơn", ông M. cho biết.
Người dân tại địa phương cho biết, trên tuyến đường trục chính xã Liên Hồng trước đó đã có nhiều loại cây và đang sinh trưởng khá tốt. Tuy nhiên, kể từ khi TP. Hải Dương chuyển khoảng 100 cây về trồng thay thế cây cũ rồi chết khô khiến ai đi qua cũng lắc đầu ngao ngán. Đặc biệt, ngay trước cổng UBND xã Liên Hồng cũng có cây chết khiến người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức trong việc trồng cây này, có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Làm việc với PV về vấn đề trên, ông Tăng Văn Kết – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho biết: "Cây xanh là do xã quản lý nhưng xã không có chuyên môn trong việc chăm sóc cây, xã chỉ tưới nước mà thôi. Khi chuyển cây về, thành phố chỉ cho biết đây là loại kích rễ chứ không có nói về kỹ thuật chăm sóc nào cả", ông Kết cho hay.
Theo ông Kết, đúng ra cây chuyển về trồng phải cuốn vải xung quanh thân như các loại cây khác trên đường Trường Chinh để giữ được độ ẩm cho cây. Bên cạnh đó, cây chết một phần cũng do tình hình thời tiết nắng nóng.
"Lúc trước xã trồng hàng cây mới lên xanh tốt và đẹp nhưng nhỏ, đến khi thay thế cây to này vào thì phải chuyển cây nhỏ kia đi ươm chỗ khác", ông Kết cho biết thêm.
Trước vụ việc trên, nhiều người dân mong rằng các cơ quan chức năng TP. Hải Dương sớm vào cuộc tìm hiểu, xem xét, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc này khi có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tùng Lâm, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản TP Hải Dương cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng, nhất là vào thời điểm COVID-19.
"Đối với dự án này, chúng tôi chuyển cây về các đơn vị trường, phường theo nhu cầu của phường. Sau khi trồng và thực hiện chống cây xong thì sau 1 tháng chúng tôi bàn giao lại cho các đơn vị sử dụng và đơn vị này có trách nhiệm chăm sóc các cây đấy. Đối với cây bàn giao cho phường, xã chăm sóc mà để cây bị hỏng thì họ phải có trách nhiệm thay thế", ông Lâm cho hay.
Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.