TP. Hải Phòng có 2.557 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng
Theo số liệu Cục Thống kê TP Hải Phòng, 9 tháng năm 2024, toàn thành phố có 2.557 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,48% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 49.797,9 tỷ đồng, tăng 130,58%.
Dự kiến tháng 9 năm 2024, toàn TP Hải Phòng có 236 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 1.228,8 tỷ đồng, giảm 17,52% so với cùng kỳ năm trước. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 111 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 116 đơn vị.
Tính chung 9 tháng năm 2024, toàn thành phố có 2.557 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,48% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 49.797,9 tỷ đồng, tăng 130,58%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 19,5 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 1.588 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 2.231 đơn vị.
Dự kiến trong tháng 9 năm 2024, thành phố có 22 doanh nghiệp và 25 đơn vị phụ thuộc tiến hành thủ tục giải thể. Tính chung 9 tháng/2024, số doanh nghiệp dự kiến thực hiện thủ tục giải thể là 359 và đối với các đơn vị phụ thuộc là 674 cơ sở.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 191 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 31,41% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 so với quý II/2024 của doanh nghiệp tốt lên; 43,46% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 25,13% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 76,14% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 74,19% và doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp nhà nước là 70%.
Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2024 so với quý III/2024 có 39,27% số doanh nghiệp đánh giá sản xuất tốt lên; 42,93% số doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 17,8% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đánh giá lạc quan nhất với 90% số doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp FDI là 83,87%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 79,55%.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong quý III/2024 bao gồm: có 45,03% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp và 42,41% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; có 32,46% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 29,84% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó một số nhân tố khác cũng gây ảnh hưởng khá lớn tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: khó khăn về tài chính, lãi suất vốn vay cao, thiếu nguyên vật liệu...
Tuy nhiên, cũng có gần 10,99% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng không có khó khăn nào ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong Quý III/2024.
Thanh HảiSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.