TP. Hải Phòng: Kỳ họp thứ 29 HĐND xem xét 18 báo cáo và thông qua 16 nghị quyết
Vừa qua, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã khai mạc Kỳ họp thứ 29 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 xem xét, đánh giá, thông qua một số nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quyết định một số cơ chế, chính sách để kịp thời bảo đảm các điều kiện vận hành bộ máy chính quyền hai cấp.
Tại Kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Hiệu nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 29 của HĐND TP diễn ra trong bối cảnh đặc biệt quan trọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP tập trung cao độ, hoàn thành khối lượng lớn công việc trong một thời gian ngắn, vừa phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ chính trị của năm 2025 và tăng tốc, bứt phá về đích Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, vừa phải tập trung triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương ngay từ đầu năm, xác định năm 2025 là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ của Trung ương, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: haiphong.gov.vn
Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP toàn thành phố ước đạt gần 210.000 tỷ đồng, tăng 11,2%. Thu ngân sách gần 101 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ngày 12/7/2025, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Cùng với Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, Hải Phòng hiện có 2 Di sản Thế giới liên vùng, khẳng định tầm vóc văn hóa, giá trị nổi bật toàn cầu của TP Hải Phòng địa linh nhân kiệt. Chính trị - xã hội ổn định, an sinh được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Theo chương trình đã được thông qua, Kỳ họp thứ 29 - Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 1,5 ngày từ ngày 24 và buổi sáng ngày 25 tháng 7 năm 2025. Với tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến, đạt được sự đồng thuận cao, các đại biểu HĐND TP Hải Phòng đã xem xét, thông qua 18 báo cáo và 16 nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và một số cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo các điều kiện vận hành bộ máy chính quyền hai cấp.
Cụ thể đã thông qua 16 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiệm vụ, giải pháp 06 tháng cuối năm 2025 của thành phố Hải Phòng sau sắp xếp; Nghị quyết Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng; sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên và vốn đầu tư công ngân sách địa phương năm 2025 sau khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp;
Nghị quyết Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thành phố Hải Phòng sau sắp xếp; Nghị quyết Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2025 thành phố Hải Phòng sau sắp xếp; Nghị quyết Cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2026 -2030; Nghị quyết Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị sử dụng ngân sách địa phương;
Nghị quyết Quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; cho thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; Nghị quyết Quy định thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; Nghị quyết Danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2025;
Nghị quyết Quy định về mức chi cho hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Nghị quyết Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương năm 2025 sau sắp xếp; Nghị quyết Kế hoạch sử dụng đất 05 năm thành phố (giai đoạn 2021 - 2025);
Nghị quyết Danh mục dự án, công trình phải thu hồi đất theo quy định tại Điều 72, Điều 79 Luật Đất đai; Nghị quyết Biên chế, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động trong cơ quan, đơn vị do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc thành phố Hải Phòng năm 2025; Nghị quyết Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố;
Nghị quyết về Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Theo đó, các đại biểu đã biểu quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với 17 đại biểu đã nghỉ công tác và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
HĐND TP Hải Phòng cũng đã xem xét thông qua 18 báo cáo tập trung vào 4 nhóm vấn đề trọng tâm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025; các nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực tài chính, ngân sách, kế hoạch đầu tư công, dự toán thu chi ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách địa phương; kế hoạch sử dụng đất và công tác phân cấp, phân quyền; xem xét báo cáo kết quả công tác của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND; các báo cáo chuyên đề của UBND thành phố; Báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri và Báo cáo kết quả giám sát của HĐND thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025; xem xét, thảo luận và thông qua dự thảo nghị quyết về Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố.
Kỳ họp thứ 29 - Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp, các nghị quyết của HĐND thành phố được thông qua là kim chỉ nam để thành phố hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ tầm cỡ quốc tế, sánh ngang với các thành phố tiêu biểu của châu Á.
Thanh Hải
Hoàn lưu sau bão số 3 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, vô cùng đau xót đối với nhân dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.