TP. HCM: 3 lộ trình phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022

Tiêu dùng và Tiếp thị
02:35 PM 19/10/2021

Vừa qua, Sở Du lịch TP. HCM đã tổ chức triển khai chương trình phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP. HCM cơ bản đã được kiểm soát, vì vậy TP đã triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19; tạo tiền đề cho ngành du lịch hồi phục trong giai đoạn mới.

Theo đó, lộ trình phục hồi du lịch sẽ chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ ngày 01/10/2021 – ngày 31/10/2021), mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh: khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TPHCM có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn 2 (từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/12/2021), Đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Giai đoạn 3 (trong năm 2022): khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.

TP. HCM: 3 lộ trình phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 - Ảnh 1.

Du lịch TP. HCM được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy việc hồi phục ngành nghề này là rất quan trọng

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh hoạt động phục hồi du lịch phải luôn đảm bảo nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”; đồng thời, tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn. Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, khẳng định du lịch TP được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỉ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác.

Do đó, quá trình hồi phục, du lịch TP phải xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Ngành du lịch tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn TP. Trước mắt rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.

Đồng thời, chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương. Phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước tiên phong trong việc tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan TP trong các hoạt động của đơn vị mình nhằm chung tay quảng bá TPHCM nói chung và du lịch nói riêng. Chủ động và khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của TP. Vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực TP thông qua các hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

Cũng tại sự kiện, Sở Du lịch TP đã phát động Chương trình 100.000 voucher du lịch TPHCM dành cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Dù mới phát động nhưng chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đợt 1 gần 50 tỉ đồng.

Đức Duy
Từ khóa: ngành du lịch
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.