TP. HCM: Chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng bình ổn thị trường Tết 2024

Thị trường
09:27 AM 16/12/2023

Sở Công Thương TP. HCM cho biết các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Tình hình thị trường xăng dầu, tỉ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản… tiếp tục biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2024.

Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ của TP. HCM, Sở Công Thương TP. HCM cho biết, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

TP. HCM: Chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng bình ổn thị trường Tết 2024- Ảnh 1.

TP. HCM: Chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng bình ổn thị trường Tết.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần 25% - 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…

“Doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống”, đại diện Sở Công Thương TP. HCM nhấn mạnh.

Đối với mặt hàng gạo, giá lương thực thế giới tăng mạnh trong đó gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40%. Cụ thể, ngày 6/12 giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu giá 663 USD/tấn, tăng 40,2% so đầu năm, gạo 25% tấm giá 643 USD/tấn, tăng 41,9% so đầu năm.

Tình hình trên đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo, có lợi cho người nông dân. Theo đó, chỉ trong 10 tháng đầu năm xuất khẩu Việt Nam đã lập kỷ lục 4 tỷ USD, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.

Giá gạo xuất khẩu tăng cũng đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa của các doanh nghiệp. Do đó, TP. HCM đã sớm chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và tết.

Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Đáng chú ý có thêm Tập đoàn Lộc Trời đăng ký tham gia đồng hành trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố với những cam kết cụ thể như cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.

Như vậy, với nguồn lực hiện có gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như Vinh Phát, Lương thực Thành phố, Tấn Vương, Lộc Trời…; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn của thành phố.

Sở Công thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn thành phố từ nay đến tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn