TP. HCM: Đảm bảo an ninh trật tự, ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến, nhiều vấn đề được người dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) quan tâm, như: công tác chuẩn bị, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy (ANTT-ATXH-PCCC); công tác phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại trong dịp Tết cổ truyền...
Tết lái xe khi đã uống rượu bia, không chạy quá tốc độ
Chia sẻ về công tác đảm bảo ANTT-ATXH-PCCC, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Theo quy luật hàng năm, cứ vào thời điểm cuối năm, tội phạm gia tăng hoạt động, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh từ những mâu thuẫn bộc phát; tội phạm về kinh tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao cũng dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự công cộng sẽ diễn biến phức tạp hơn; tình hình an toàn PCCC; tệ nạn cờ bạc cũng có nguy cơ gia tăng.
Để đảm bảo ANTT-ATXH dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an TP đã triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo TTATGT (thực hiện từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023).
Cụ thể, tập trung đấu tranh các băng nhóm tội phạm hình sự có tổ chức hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê núp bóng doanh nghiệp; các đối tượng hoạt động xâm phạm sở hữu tài sản: Cướp, cướp giật, trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; đối tượng truy nã, sử dụng ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, các vi phạm về pháo; tội phạm xâm hại trẻ em, cố ý gây thương tích; đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, các vi phạm về an toàn thực phẩm; các hoạt động cờ bạc, mại dâm; xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc", xe ô tô chở khách vi phạm, vi phạm nồng độ cồn, tốc độ; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các khu vực cửa ngõ, kho bãi, sân bay đảm bảo người dân về quê đón Tết thuận lợi.
Công an TP cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến cách sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ nhằm đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với các hoạt động lễ hội, sự kiện, bắn pháo hoa chào đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, căn cứ vào tính chất, quy mô tổ chức, Công an TP sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể đối với từng sự kiện.
"Bên cạnh đó, để người dân TP đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 an toàn, Công an TP khuyến cáo người dân có ý thức tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản của bản thân, gia đình, có các biện pháp bảo đảm an toàn trước những thủ đoạn, hành vi của các loại tội phạm. Thực hiện nghiêm các quy tắc khi tham gia giao thông, không lái xe quá tốc độ quy định, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Mỗi người, mỗi gia đình cẩn trọng trong việc thờ cúng, nấu nướng bảo đảm an toàn; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như thoát nạn khi có sự cố", thượng tá Lê Mạnh Hà, khuyến cáo.
Lực lượng QLTT sẽ kiểm tra nhiều mặt hàng để chống hàng giả
Về vấn đề chống hàng gian, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 2 nội dung chính.
Đó là, kiểm tra các mặt hàng cấm, ảnh hưởng đến ANTT, ATXH trong dịp Tết Nguyên đán, như: Pháo nổ, pháo hoa, hóa chất, tiền chất công nghiệp, tài liệu phản động, sản phẩm mang nội dung gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, Cục QLTT TP cũng kiểm tra nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, như: Quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em…
Cùng với đó còn có nhiều mặt hàng cũng nằm trong diện được QLTT kiểm tra là: Nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; vật liệu và thiết bị xây dựng; xe đạp điện, xe máy điện, mũ bảo hiểm; các sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Đối với nội dung kiểm tra, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết sẽ kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, điều kiện kinh doanh; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại; thương mại điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quảng cáo; các dấu hiệu đầu cơ, găm hàng; nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa và nhãn hàng; quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa; việc niêm yết giá, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết…
"Hiện nay xuất hiện nhiều website bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Cục QLTT TP khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ; không có kiểm định, công bố rõ ràng. Để công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đạt hiệu quả, rất cần sự chung tay hỗ trợ, giúp sức không chỉ từ các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng mà còn từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng", ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, nói.
Lê Hải - Hoàng AnNgày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức "Diễn đàn dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".