TP HCM: Đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng cho 12 dự án chống ngập
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2021, 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường và 1 dự án vệ sinh môi trường với tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng sẽ được khởi công ở TP Thủ Đức và một số quận huyện của TP HCM.
Cụ thể, TP Thủ Đức sẽ khởi công ba dự án gồm: Dự án đường số 8 phường Phước Bình lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường với tổng vốn 120 tỷ đồng; Dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào, thảm nhựa tại đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ 990 đến cầu Võ Khế với mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại đường Lã Xuân Oai đoạn từ đường Lê Văn Việt đến đường 102 sẽ thực hiện Dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập với tổng số vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng.
Tại Quận 11 của TP. HCM, các dự án được triển khai tại đường Hàn Hải Nguyên từ đường Minh Phụng đến đường 3/2 và dự án rạch Đầm Sen (từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa) với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Dự án đường Lý Chiêu Hoàng (từ đường Nguyễn Trãi đến đường Phan Chu Trinh) tại Quận 6 sẽ được đầu tư với số vốn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án đường Triệu Quang Phục (từ đường Hồng Bàng tới Hải Thượng Lãn Ông) sẽ tiến hành lắp đặt cống hộp, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường với tổng số vốn gần 61 tỷ đồng.
Quận 12 có dự án khởi công tại đường Tô Ký (từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Trung Mỹ Tây) gần 78 tỷ đồng.
Tại ba huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, sẽ triển khai các dự án đường Nhơn Đức - Phước Lộc (từ đường Lê Văn Vương tới Đào Sư Tích); dự án đường Dương Công Khi (đoạn từ quốc lộ 22 đến cây xăng dầu COMECO); dự án đường hương lộ 2 (từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tăng) đều sẽ được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt.
Bên cạnh 11 dự án nêu trên, một trong những gói thầu quan trọng nhất của Dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2) này chính là nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Được biết, TP. HCM sẽ chi khoảng 307 triệu USD cho dự án này.
Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thời gian qua, xoá giảm triều cường của thành phố đã có nhiều khởi sắc, số tuyến đường trục chính bị ngập do triều đã giảm từ 95 tuyến vào năm 2008 xuống còn 4 tuyến vào cuối năm 2020. Với 12 dự án chuẩn bị triển khai, thành phố xác định mục tiêu chính là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập các vị trí đã được giải quyết; đồng thời tiếp tục giải quyết thoát nước cho lưu vực trung tâm thành phố cùng các khu vực lân cận.
Huyền Thương (T/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.