TP. HCM: Đề xuất gói hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% cho doanh nghiệp du lịch khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Sở Du lịch TP. HCM đã đồng ý với phương án tờ trình của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM về gói hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% cho doanh nghiệp du lịch đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. Sở này cũng đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Tại TP. HCM, ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề nhất do Covid-19. Nếu như trước đây tỉ lệ lấp đầy tại các khách sạn đạt 70 - 80%, thì hiện nay các khách sạn 4 - 5 sao thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn chỉ đạt 2 - 3%. Ngành dịch vụ chiếm 62% tổng giá trị sản phẩm của TP. Covid -19 đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế TP, là một thách thức lớn cho TP.HCM để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ.
Hiện TP.HCM có hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, có đến 90-95% doanh nghiệp du lịch đã tạm ngưng hoạt động, cho nhân viên nghỉ không lương, cắt giảm nhân sự. Số doanh nghiệp còn bám trụ với quy mô 200 người không nhiều. Ở khối lưu trú, số doanh nghiệp có lao động trên 200 người không nhiều và cũng đang hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM để trình HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết về triển khai một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2020. Tiêu biểu như đề xuất miễn phí vào 4 điểm tham quan gồm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng TP, Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi; hỗ trợ kinh phí trả lương cho các đối tượng có liên quan và chi công tác hành chính tại những đơn vị này từ tháng 10 đến hết năm 2020.
Mặc khác, Sở du lịch TP.HCM còn đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp những đơn vị liên quan tham mưu UBND TP.HCM đối với việc giảm tiền nước cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống phục vụ du lịch. Đối với việc chọn cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly cho nhà đầu tư, chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh, Sở Du lịch TP đã phối hợp với Sở Y tế, UBND quận 1 - 3 và quận 7 rà soát, thẩm định 17 cơ sở lưu trú du lịch.
Theo dự kiến, các cơ quan trên còn tiếp tục phối hợp rà soát 3 cơ sở lưu trú du lịch tại quận 1 có nguyên vọng đăng ký và đủ điều kiện để tổ chức cách ly tập trung theo quy định. Các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký làm nơi cách ly tập trung có thu phí sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thiện điều kiện, cơ sở vật chất, quy trình tổ chức cách ly để có thể triển khai ngay.
Trước đó, kỳ họp thứ 20, HĐND TP khóa IX ngày 11/7, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM đã trình bày rằng để khôi phục ngành du lịch thời kỳ hậu dịch Covid-19, Sở đang khẩn trương triển khai các nhóm giải pháp. Đó là thực hiện công tác chống dịch Covid-19 trong ngành du lịch như bố trí khách sạn để cách ly các đoàn bay, chuyên gia, đón các công dân Việt Nam về nước an toàn. Kết nối các đơn vị khác để khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí an toàn.
Đồng thời, tổ chức liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải, các đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ, các đơn vị lữ hành và khách sạn, các điểm mua sắm… để ngành du lịch TP. HCM triển khai gói kích cầu lớn nhất từ trước đến nay với 280 tour đến TP với khung giá bất ngờ. Mặt khác, ngành du lịch TP. HCM cũng liên kết phối hợp các địa phương và kích thích du lịch nội địa. Theo tính toán ngành du lịch TP. HCM, năm 2020, TP. HCM rất khó mở thị trường du lịch quốc tế. Do đó, thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn. Vì vậy, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục thực hiện liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và chuẩn bị các liên kết khác. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin tái cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp và giúp ngăn chặn quá trình giải thể hoặc ngưng hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành.
Hạ DuyênBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.