TP. HCM đề xuất xây dựng 5 tuyến đường trên cao
Nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe tại các điểm nóng, kết nối Đông - Tây, Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư 55 dự án về hạ tầng giao thông trong năm 2021, trong đó có 5 đường trên cao.
Hiện nay, để giải quyết bài toán kẹt xe trên địa bàn TP.HCM, nhiều cầu vượt bằng thép đã được bố trí nhưng tình hình kẹt xe chỉ giảm nhẹ một thời gian rồi tái diễn. Do đó, trong quy hoạch giao thông, cơ quan chức năng đã tính tới phương án làm đường trên cao.
Vào giờ cao điểm, nút giao thông Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) và khu vực đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc. Đặc biệt, do đường sắt giao cắt với đường Nguyễn Văn Trỗi và các đường xung quanh, nên tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng hơn mỗi khi xe lửa chạy qua khu vực này vào giờ cao điểm.
Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên xây dựng tuyến đường trên cao số 1 dài 9,5km (gồm 1km cầu cạn cho 2 làn xe, 8,5km còn lại cho 4 làn xe) với tổng mức đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2020-2030.
Tương tự, để giải quyết tình trạng kẹt xe, tăng tính kết nối Đông - Tây, các phương tiện không phải đi xuyên tâm, Sở GTVT cũng đề xuất ưu tiên xây dựng thêm tuyến đường trên cao số 5 so với các tuyến còn lại. Tuyến này bắt đầu từ quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Trạm 2 (quận 9, Thủ Đức) đến nút giao thông An Sương và An Lạc (quận Bình Tân) dài 34km.
Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, Sở GTVT đề xuất chia thành hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 (năm 2020 - 2025) đầu tư đoạn trên cao từ nút giao Trạm 2 đến nút giao thông An Sương dài 21,5km, với tổng mức đầu tư khoảng 15.405 tỉ đồng bằng nguồn vốn PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư). Trong giai đoạn 2025 - 2030, sẽ đầu tư đoạn từ An Sương đến An Lạc dài khoảng 12,5km.
Đoạn từ quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Trạm 2 - quận 9, Thủ Đức) đến nút giao thông An Sương và An Lạc (quận Bình Tân) là tuyến đường huyết mạch của các dòng xe từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Đông về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Do đó, tuyến đường này đang có mật độ xe dày đặc, nhất là xe tải, xe khách và xe container.
Việc sớm giải quyết tuyến này không chỉ giảm kẹt xe mà còn tăng tính kết nối giữa hai khu vực Đông - Tây Nam Bộ. Ngoài ra, theo Sở GTVT, các tuyến đường trên cao số 2, số 3 và số 4 cũng cần được nghiên cứu đầu tư hợp lý trong giai đoạn 2020-2030.
Tâm AnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.