TP. HCM: GRDP quý II có khả năng chỉ tăng trên 6%
Dự báo được Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng nêu tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 5 của UBND TP. HCM chiều 31/5. Theo đó, GRDP quý II có khả năng chỉ tăng trên 6%, thấp hơn mức 6,54% đạt được vào quý I.
Nguyên nhân là kinh tế của TP. HCM 5 tháng đầu năm duy trì tích cực nhưng chưa chuyển biến rõ rệt, một số lĩnh vực có tín hiệu giảm. Ví dụ, tiêu dùng và xuất nhập khẩu chậm lại, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu.
Chẳng hạn, dự án FDI đăng ký mới tăng 24,1%, doanh nghiệp trong nước cấp phép tăng 8,7%, nhưng vốn FDI lại giảm 3,3% và vốn doanh nghiệp trong nước cũng giảm 23%. Điều này cho thấy doanh nghiệp ngoài nhà nước phần lớn quy mô nhỏ và tâm lý thận trọng, chờ đợi để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong khi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, công nghiệp phục hồi khá chậm và còn nhiều khó khăn khi thấp hơn chỉ số sản xuất cả nước (6,8%), 11/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm. Ông Hoàng cho rằng chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp Thành phố nhưng chỉ tăng 4,9% (thấp hơn IIP toàn ngành), lao động giảm 5,7%.
“Mặc dù thị trường nước ngoài tăng, thể hiện qua hoạt động xuất khẩu tích cực và các doanh nghiệp có đơn hàng quay trở lại nhưng thời gian đơn hàng ngắn và giá không tăng, trong khi chi phí đầu vào tăng khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành bị co hẹp”, ông nói thêm.
Đặc biệt, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,2%, nhưng đây mức tăng có dấu hiệu tăng chậm lại, do dịch vụ ăn uống giảm từ đầu năm đến nay đã làm giảm đà tăng trưởng chung của toàn ngành.
Riêng bán lẻ hàng hóa tăng 9,3%, tuy nhiên bán buôn chỉ tăng 6,6%, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng còn thấp, trong khi bán buôn chiếm đến 80% ngành thương mai, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung ngành thương mại.
Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 65,1% và doanh thu lưu trú tăng 49,9%, nhưng ăn uống chỉ tăng 3,8%, trong thời gian qua một số nhà hàng lớn, quán ăn nổi tiếng trên địa bàn ngưng hoạt động, hoặc chuyển địa điểm cho thấy người dân tiêu dùng thắt chặt hơn và đặc biệt chi phí mặt bằng khá lớn đã ảnh hưởng đến việc duy trì kinh doanh.
“Qua số liệu 5 tháng năm 2024, nhìn chung kinh tế TP. HCM vẫn duy trì xu hướng tích cực nhưng chưa có dấu hiệu tăng tốc mà có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại”, ông nói.
Theo ông Hoàng, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng nhưng khá thấp so với tiềm năng của Thành phố. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chi ngân sách, đảm báo tiến độ dự toán vì đây là cấu phần quan trọng trong tiêu dùng của nhà nước, tạo kích cầu cho nền kinh tế.
Trong khi đó, vốn đầu tư công được xem là động lực quan trọng bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác, trong bối cảnh tiêu dùng tăng trưởng chậm, giải ngân đầu tư công cũng chậm lại. Kho bạc nhà nước TP. HCM cho hay trong tháng 4 và 5, không tuần nào giải ngân được 200 tỷ đồng. Trong khi đợt thi đua 60 ngày đêm cuối năm ngoái mỗi ngày giải ngân 2.000 tỷ đồng. Vào cuối quý I, mỗi ngày từng giải ngân 700-1000 tỷ.
Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế TP. HCM thời gian tới, Cục trưởng Thống kê cho rằng tiêu dùng nội địa vẫn phải là động lực chính, thông qua các chương trình kích cầu mua sắm, các giải pháp chỉnh trang, sắp xếp, hỗ trợ hệ thống chợ truyền thống vượt qua khó khăn.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế địa phương 5 tháng qua đã có cố gắng và tín hiệu tích cực, như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện, dịch vụ vẫn giữ được tăng trưởng hai con số.
Cùng với đó, tín dụng tiếp tục cải thiện, doanh thu từ bất động sản tăng, thu ngân sách 6 tháng dự báo vượt tiến độ. Đây là những kết quả có ý nghĩa và phản ánh nỗ lực của đầu tàu kinh tế thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Mãi cũng chỉ ra đầu tàu kinh tế còn "bệnh trầm kha" là sụt giảm đầu tư, quy mô doanh nghiệp cũng là dấu hiệu giảm, giải ngân đầu tư công chậm và chi thường xuyên có dấu hiệu giảm. Do đó, từ tháng 6 phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoảng 70.000 vốn đầu tư công còn lại. "Cần tập trung triển khai các dự án trọng điểm, nhanh chóng đưa vào sử dụng các công trình, tập trung hơn nữa cải cách hành chính", ông Mãi nói.
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.