TP. HCM: Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp
Ủy ban nhân dân TP. HCM ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế thành phố và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn trong thời kì Covid-19
Theo đó, các Sở ngành, quận - huyện phải theo dõi, nắm bắt sát tình hình hoạt động, khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất giải quyết cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) và người lao động.
Sở ngành phải chủ động phối hợp và đồng bộ theo yêu cầu: Sở phụ trách lĩnh vực phải nắm toàn diện, Sở chuyên ngành phải hướng dẫn cụ thể các chính sách (phải xây dựng Bộ tiêu chí ưu tiên của từng ngành). Cụ thể:
Cục Thuế TP được giao xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn các trường hợp được miễn, giảm và giãn thuế do ảnh hưởng của dịch; triển khai ngay việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (theo thủ tục gia hạn trực tuyến) áp dụng tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; phối hợp Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện rà soát danh sách các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh để thực hiện hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ.
Cục Hải quan đề xuất giảm phí, lệ phí liên quan đến logistics, thủ tục hải quan để tạo điều kiện cho hợp tác xã giảm chi phí và nhập khẩu vật tư, nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Sở Công Thương được giao đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nông sản; tăng cường quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; hỗ trợ mở rộng thị trường đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng có ảnh hưởng từ dịch bệnh trên địa bàn TP.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM: Làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Ngân hàng phối hợp Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2020, với chủ đề "Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn ưu tiên tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng trong trường hợp Chính phủ cho phép thành phố tham gia triển khai thực hiện.
Sở Giao thông vận tải đề xuất giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm hạn chế giảm thiểu doanh thu cho các hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hỗ trợ tư vấn, đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực của hợp tác xã sản xuất và chế biến nông nghiệp; cơ cấu lại sản phẩm, định hướng lại đầu tư, chuyển sang sản xuất các sản phẩm gắn với thị trường, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, tổ chức thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác phát hiện, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Hiền HươngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.