TP. HCM tổ chức tiêm 930.000 liều vắc xin COVID-19 trong đợt 5

Sức khỏe
11:13 AM 21/07/2021

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với TP. HCM về kế hoạch tiêm 930.000 liều vắc xin COVID-19 đợt 5.

Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5 của TP. HCM, tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tổng số lượng vắc xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 03 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều). Ngoài các điểm tiêm tại các quận - huyện và TP. Thủ Đức, TP cũng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TP.

Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân. Theo kế hoạch, mỗi phường/xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm; tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.

TP. HCM tổ chức tiêm 930.000 liều vắc xin COVID-19 trong đợt 5  - Ảnh 1.

Tổng số lượng vắc xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 03 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều).

Toàn TP sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng trong 2 tuần, TP. HCM sẽ tiêm xong 930.000 liều.

Chiều 20/7, vắc xin đã được chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong 1-2 ngày tới, TP sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đợt 5. Ngoài số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho TP HCM, TP cũng đang nỗ lực tìm các nguồn vắc xin để đàm phán mua.

Đối tượng được tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt này ưu tiên cho những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, hiện nay, số lượng đối tượng ưu tiên tiêm của TP nhiều hơn so với số lượng vắc xin được phân bổ trong đợt này, vì vậy, đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ cho TP. HCM trong tháng 8 thêm khoảng 5 triệu liều, để đến hết tháng 9/2021, có khoảng 50% người dân TP được tiêm mũi 1.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong 02 ngày qua tại TP đã giảm số lượng ca mắc nhưng vẫn chưa thật sự khả quan, trong 7-10 ngày tới đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành, chung sức của người dân thành phố.

Về kế hoạch tiêm chủng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 của TP. HCM đã hoàn thành, đợt 5 có nhiều loại vắc xin COVID-19, vì vậy TP cần cân nhắc khi tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vắc xin. Bộ y tế cho rằng, giai đoạn này nên tập trung vào đối tượng, không nên tập trung vào vùng tiêm chủng. “Vùng đỏ” chưa nên tiêm mà nên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, người dân không nên so sánh các loại vắc xin COVID-19, vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc xin đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ...

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.