TP. Hồ Chí Minh: Đến năm 2030, đưa du lịch phát triển theo chiều sâu và bền vững

Địa phương
04:26 PM 27/03/2024

Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn do nhiều yếu tố tác động. Từ đó nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Song, với quyết tâm cao, ngành du lịch thành phố kỳ vọng sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch TP. HCM đến năm 2030, đưa du lịch thành phố phát triển theo chiều sâu và bền vững.

Tại buổi họp giao ban báo chí ngày 27/3, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó GĐ Sở du lịch TP. HCM cho biết: Trong 2 tháng đầu năm 2024, TP. HCM đã đón hơn 900 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 33,5% so cùng kỳ năm 2023 (02 tháng đầu năm 2023 là 676.565 lượt), đạt 15% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách du lịch nội địa đón trên 5 triệu lượt, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2023 (02 tháng đầu năm 2023 là 4.673.435 lượt), đạt 13,6% so với kế hoạch năm 2024.

Tổng thu du lịch đạt 29 ngàn tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023 (02 tháng đầu năm 2023 là 21.234 tỷ đồng), đạt 15% so với kế hoạch năm 2024.

Trong năm 2024, TP đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu, Sở du lịch TP. HCM quyết tâm thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường nội địa như tập trung thị trường vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm du lịch đô thị, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, mua sắm; thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng với các sản phẩm du lịch MICE, du lịch mua sắm, vui chơi giải trí.

Tập trung khai thác thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng (nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ phép), sản phẩm vui chơi giải trí cuối tuần với đối tượng khách chính là gia đình, nhóm bạn bè, nhóm đồng nghiệp, sinh viên, học sinh.

Phát triển thị trường khách du lịch lễ hội, tâm linh kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng với đối tượng khách chính là các hội nhóm, khách gia đình, khách trung niên và cao tuổi, khách nữ.

Xây dựng thị trường khách trẻ với các sản phẩm du lịch trải nghiệm và khám phá, vui chơi giải trí và sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch không ngủ.

TP. Hồ Chí Minh: Đến năm 2030, đưa du lịch phát triển theo chiều sâu và bền vững- Ảnh 1.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó GĐ Sở du lịch TP. HCM phát biểu tại buổi họp giao ban báo chí ngày 27/3

Một vấn đề khó khăn nữa cần quan tâm hiện nay đó là là giá vé máy bay cao và tần suất bay thấp, do hãng Airbus thu hồi máy bay để khắc phục sai sót kỹ thuật. Về vấn đề này, lãnh đạo TP. HCM đã làm việc với Sở GTVT TP và cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất để tăng cường các chuyến bay đêm nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế, tập trung cho các thị trường đã kết nối hàng không; các thị trường đã được miễn thị thực; thị trường gần gồm Bắc Á và Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Úc), thị trường truyền thống (châu Âu) và thị trường mới Trung Đông, Ấn Độ. Tiếp tục tham gia các Hội chợ Du lịch quốc tế như ITB Singapore, WTM Lon Don, IMEX tại Las Vegas và IMEX tại Đức.

Tăng cường công tác quảng bá và tiếp thị du lịch nước ngoài, đẩy mạnh công tác ngoại giao để tranh thủ phát triển du lịch. Tại các hoạt động xúc tiến du lịch, tham gia gian hàng tại các sự kiện và hội chợ, ngành du lịch Thành phố chú trọng công tác đối ngoại để tranh thủ sự hợp tác phát triển du lịch; có những đề xuất nhằm đẩy mạnh công tác đối ngoại, định vị vai trò của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế; tăng cường giao lưu, gặp gỡ và làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Theo đó, 8 chương trình xúc tiến du lịch trong nước và 6 chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài sẽ được ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh triển khai trong năm nay.

PV
Ý kiến của bạn