TP. Hồ Chí Minh đón gần 5,2 tỷ USD kiều hối trong 6 tháng đầu năm
Kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,178 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về đạt 2,309 tỷ USD, giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như: yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập… thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Một số giải pháp thu hút nguồn kiều hối cũng như sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối cần được quan tâm xem xét, triển khai thực hiện, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài. Sự tiện ích và bảo đảm an toàn hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng thu hút kiều hối thông qua hoạt động của hệ thống chi trả kiều hối, gồm các công ty kiều hối và các TCTD trên địa bàn.
Thứ hai, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…) để mang lại hiệu quả lớn hơn, sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế Thành phố: kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư; phù hợp với nhu cầu người lao động ở nước ngoài quan tâm để cải thiện đời sống và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhờ nguồn kiều hối chuyển về đã và đang phát huy hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông, với mục đích thông tin về dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn, tư vấn về dịch vụ chuyển tiền và chi trả kiều hối, mở rộng đối tượng và phát triển dịch vụ chi trả nhằm thu hút kiều hối. Đồng thời, thông qua hoạt động truyền thông, giúp các tầng lớp trong xã hội, nhân dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của nguồn lực kiều hối, góp phần tạo thuận lợi trong triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực quý giá này.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.