TP. Hồ Chí Minh: Lao động trong các công ty quản lý nhà chung cư có nên là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin?
Trong lúc đại dịch COVID–19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chung cư là một trong những môi trường có nguy cơ lây nhiễm chéo nhanh. Những nhân viên trong các Công ty quản lý, vận hành tòa nhà thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các cư dân, rủi ro cao, dễ lây nhiễm.
Đã thực sự được quan tâm?
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố có tổng 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn cư dân cần được phục vụ, bảo vệ. Sau 2 năm, con số này đã tăng thêm và đòi hỏi nhiều nhân sự quản lý tòa nhà hơn để có thể kiểm soát trật tự cũng như sức khỏe của cư dân trong mùa dịch.
Với mật độ dân cư đông, các chung cư dễ trở thành điểm dịch nóng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, phòng ngừa đúng đắn và công tác chuyên nghiệp của nhân viên quản lý tòa nhà. Trong đợt dịch vừa qua, TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn điểm cách ly và hàng trăm chung cư bị phong toả.
Tuy tiếp xúc với nhiều người hàng ngày nhưng lực lượng quản lý vận hành lại không nằm trong đối tượng ưu tiên để tiêm vắc xin Covid hay hỗ trợ tạo điều kiện đi lại trong lúc Thành phố đang áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ. Những điều này khiến người lao động trong ngành này cảm thấy bất an và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân tại các chung cư. Hạn chế về việc di chuyển cũng khiến các doanh nghiệp không thể điều động nhân viên bổ sung hỗ trợ đến những chung cư đang thiếu nhân lực trong những tình huống cấp bách.
Rủi ro cận kề, Anh S – nhân viên bảo vệ Công ty quản lý tòa nhà HTC đã trở thành bệnh nhân F0 do chung cư có một người bị dương tính. Hàng ngày trực chốt, người ra, người vào phải đo thân nhiệt, tiếp xúc gần nên nhiễm bệnh là điều rất dễ xảy ra.
Chị Vũ Thị Thanh Thúy - Giám đốc Điều hành dịch vụ quản lý vận hành của Công ty Savista cho hay: Khó khăn về khối lượng công việc chúng tôi có thể vượt qua. Chỉ mong các cấp ngành quan tâm hơn đến công việc và đời sống của lực lượng nhân viên quản lý tòa nhà. Và quan trọng nhất là sớm được tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn cho cả người lao động và cư dân trong mùa dịch diễn biến phức tạp này.
"Một chung cư với hàng ngàn hộ dân không khác gì một xã hội thu nhỏ, nếu không có sự sắp xếp của đội ngũ ban quản lý thì sẽ rất dễ xảy ra sự cố trong những ngày dịch bệnh, chỉ mong người dân được an toàn và yên tâm dẫu chúng tôi có vất vả đôi chút cũng không có vấn đề gì" - Chị Thanh Thúy chia sẻ.
Không có khái niệm nghỉ trong mùa dịch
Đã hơn một tháng qua, anh Huỳnh Quốc Cường - Nhân viên ban quản lý tòa nhà thuộc Công ty Tư vấn, Quản lý và Khai thác Bất động sản Savista chưa được về nhà. Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, anh Cường làm việc 24/24, ăn ngủ tại dự án, làm công tác "bảo mẫu" quản lý vận hành cho một chung cư gần 1700 hộ dân.
Cũng giống như anh Cường, hàng trăm đồng nghiệp khác trong công ty cũng làm việc và sinh hoạt tại chỗ. Tối đến mọi người chỉ trải chiếu ngủ ngay tại nhà cộng đồng chung cư hay chỗ nào có thể ngả lưng được. Nhiều người có con nhỏ cũng đành gạt nỗi nhớ ở lại tại chung cư để giữ an toàn cho gia đình cũng như cư dân.
Anh Cường cho biết: "Chưa bao giờ nhân viên ngành này lại vất vả và khó khăn như thời gian vừa qua. Mọi người đều làm hết công suất và kiêm nhiều vị trí vì nhân lực không đủ, cũng như rủi ro nhiễm bệnh cao khi phải tiếp xúc với nhiều người. Nếu không may có một nhân viên bị dương tính, tất cả các nhân viên phải đi cách ly. Nhân viên thuê ngoài cũng nghỉ nên chúng tôi rất thiếu thốn về nhân lực. Khó khăn nhất là xử lý những tình huống liên quan đến kỹ thuật, đảm bảo an toàn vận hành. Người dân cũng phải ở nhà nên rác thải sinh hoạt cũng nhiều, phải xử lý nghẹt thông rác, đường ống nước. Rồi việc nấu ăn thường xuyên cũng cần đảm bảo hệ thống báo cháy, an toàn điện…"
Minh HiềnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.