TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Sáng 19/8/2024, tại Tòa nhà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) TP.Hồ Chí Minh, Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt khoa học báo cáo chuyên đề Tình hình kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng.
Theo Tiến sĩ khoa học (TSKH) Trần Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP của thành phố tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%, trong đó công nghiệp tăng 5,37%, xây dựng tăng 7,92%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%, với ngành vận tải kho bãi tăng 16,24%, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.
Tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt 5.566 tỷ đồng, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 12.433 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký mới khoảng 106.127 tỷ đồng, tăng 12,01% về số lượng và tăng 8,47% về vốn đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì mức tăng trưởng ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, như: hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ, ùn tắc giao thông, triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường. Các yếu tố thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, TP. Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp như sau:
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Đẩy mạnh việc ủy quyền cho cấp quận, huyện trong thực hiện các thủ tục đầu tư công để rút ngắn quy trình và tăng tốc độ giải ngân.
Giải quyết vướng mắc hành chính: Tập trung giải quyết các vướng mắc trong thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Cung cấp các gói hỗ trợ và đào tạo cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển.
Chuyển đổi xanh: Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tăng cường hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư: Đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D): Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D để nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp như TECHFEST, Startup Wheel để tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.
Cải cách hành chính: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch….
Trong số các nhiệm vụ đã đề ra, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ đầy thách thức. Thành phố cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn từ tất cả các bên liên quan, từ việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn lực, đến việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát.
TSKH Trần Quang Thắng cho biết: Để đưa mục tiêu và kết quả trở thành hiện thực, thành phố giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, đảm bảo sự ổn định của các yếu tố kinh tế vĩ mô, như: lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông: xây dựng các tuyến đường mới, cải thiện hệ thống giao thông công cộng và phát triển mạng lưới viễn thông hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, để hỗ trợ sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất và cạnh tranh của nền kinh tế.
Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, khuyến khích học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, áp dụng các công nghệ xanh, quản lý tài nguyên hiệu quả, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển. Điều này bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, và cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Minh Yến - Hồ TĩnhGiá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h hôm nay (12/9) sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.