TP. Hồ Chí Minh tổ chức trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2022
Những người đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa là các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đề tài nghiên cứu của người đạt giải phải có tính thực tiễn, đã được ứng dụng trong đời sống nhiều năm liền.
Sáng 2/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2022, tại Hội trường thành phố.
Đến dự lễ có ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; ông Trần Dũng Trình - con trai của cố Giáo sư - Viện sĩ (GS-VS) Trần Đại Nghĩa; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP; 12 cá nhân đạt giải thưởng (giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý) cùng hàng trăm cán bộ, giáo viên, học sinh của các trường có người đạt giải.
Giải thưởng mang tên cố GS-VS Trần Đại Nghĩa được UBND TP thành lập vào năm 2021, sau khi được gia đình của cố GS-VS đồng ý. Sở LĐ-TB&XH TP được giao làm cơ quan đầu mối, và đây là lần đầu tiên TP tổ chức lễ trao giải thưởng này.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, toàn TP có 12.240 nhà giáo, cán bộ quản lý hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa dành cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này. Những người được bình chọn phải đạt các tiêu chí, như: Có thâm niên công tác tối thiểu 15 năm; hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có đề tài nghiên cứu, sáng kiến phục vụ cho công tác giảng dạy và quản lý được công nhận từ cấp Sở trở lên; có 5 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
"Giải thưởng Trần Đại Nghĩa quy định 2 năm tổ chức trao 1 lần. Đây là lần đầu tiên TP tổ chức, nhiều thầy cô không biết và do một số điều kiện khách quan như: Dịch bệnh Covid-19, nhiều giáo viên không liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua… nên không gửi hồ sơ. Do đó năm nay chỉ có 17 hồ sơ về các đề tài nghiên cứu của 17 cá nhân, trong đó 2 hồ sơ là nhà giáo giảng dạy trực tiếp, 15 hồ sơ là cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Qua bình xét, đã chọn được 12 hồ sơ đạt các tiêu chí", ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Cũng theo ông Lâm, những đề tài đạt giải là những đề tài nghiên cứu khoa học, những sáng chế đã được thực nghiệm, ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với thời gian 2 năm trở lên.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng, nhà giáo trong mỗi lĩnh vực sẽ đem lại giá trị khác nhau. Nhưng nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc sẽ tạo ra sự thành công của những người theo học, tạo ra sự thành công của quốc gia và dân tộc, đây là điều đất nước mong muốn.
"Tôi nhiệt liệt chúc mừng 12 nhà giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2022. Tôi mong muốn lãnh đạo các cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh, rất cần lực lượng lao động có kỹ năng, có trình độ lao động chuyên nghiệp.
Vì vậy nếu không quan tâm đến công tác truyền thông để thu hút được lực lượng lớn thanh niên tham gia học tập và cống hiến, sản xuất ra của cải cho xã hội thì chúng ta rất khó duy trì được tốc độ phát triển như hiện nay. Để làm được điều này, mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, về năng lực chuyên môn để người học noi theo. Cán bộ truyền thông của các trường nghề phải góp phần quảng bá hình ảnh nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", ông Dương Anh Đức nói.
Tại buổi lễ cũng diễn ra giao lưu giữa các nhà giáo và cán bộ quản lý. Ông Lê Thanh Phong - Trưởng khoa Điện lạnh trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thủ Đức đã nêu quan điểm của nghề là ngoài việc giáo dục nghề nghiệp, người thầy còn phải bồi dưỡng kiến thức cho học viên để tham gia các hội thi, từ kinh nghiệm các hội thi sẽ đưa vào giảng dạy. Một khi đã là giảng viên phải chủ động tìm tòi học tập kinh nghiệm người đi trước, tự giác nghiên cứu học tập để ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy. Bên cạnh đó phải có mối gắn kết với các doanh nghiệp, vì đây là môi trường để học sinh thực tập tốt nhất về chuyên môn và thái độ sống.
Ông Phan Hoàng Dũng - Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách Nghệ TP bộc bạch: "Đối với giáo viên các trường nghề, chỉ mong dốc hết sức để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Khi trường có học sinh đạt giải tại các cuộc thi, đó là niềm hạnh phúc của giáo viên. Về công tác tuyển sinh của trường những năm qua rất khó khăn, vì nghe đến dạy nghề thì phụ huynh nghĩ con của họ sẽ cực khổ, chân tay lem luốc, chưa kể phụ huynh ai cũng nghĩ đến việc tuyển dụng sau khi con họ ra trường. Về chủ quan, công tác tư vấn tuyển sinh ở nhiều trường chưa làm tốt, chưa làm cho nhiều người hiểu về cái lợi của học nghề".
Cũng theo ông Phan Hoàng Dũng, để thu hút học sinh vào trường nghề, khi mùa dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhà trường đã kết hợp với huyện Hóc Môn làm điểm tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhờ làm điểm tiêm nên nhiều người khi đến tiêm vaccine, nhìn thấy cơ sở vật chất của trường khang trang, nhờ vậy trường quảng bá được thương hiệu. Đối với giáo dục dạy nghề điều cần nhất là trang thiết bị dạy học, khi dạy phải dạy hết mình và học trò phải học thật để không có những em khi ra trường lại kém tay nghề.
12 cá nhân là nhà giáo, cán bộ quản lý đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2022, vì đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, được UBND TP tặng bằng khen, gồm:
1/ Ông Châu Văn Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng.
2/ Bà Nguyễn Bá Thảo Dung - Trưởng khoa Múa nước ngoài Trường Trung cấp múa.
3/ Ông Phan Hoàng Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Nghệ.
4/ Ông Phạm Mạnh Dũng - Trưởng phòng Quản lý thiết bị trường Cao đẳng Nghề.
5/ Ông Nguyễn Chí Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn.
6/ Ông Lâm Viết Dũng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng.
7/ Bà Trần Thị Bạch Đào - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn.
8/ Ông Lê Thanh Phong - Trưởng khoa Điện lạnh Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thủ Đức.
9/ Nhà giáo Ưu tú Đoàn Phúc Linh Tâm - Trưởng khoa Múa dân gian, dân tộc Trường Trung cấp Múa.
10/ Ông Nguyễn Công Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
11/ Ông Bùi Mạnh Tuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương.
12/ Ông Bốc Minh Trí - Giáo viên Trường Trung cấp Bách Nghệ.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.