TP. Hồ Chí Minh: Tổng dư nợ tín dụng đạt 3.936 nghìn tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.936 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dù ngành ngân hàng đang triển khai một loạt các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận sự suy giảm nhẹ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực II, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.936 nghìn tỷ đồng, giảm 0,17% so với cuối năm, nhưng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, cùng kỳ 2 tháng năm 2024, tín dụng giảm 0,92%; 2 tháng năm 2023 giảm 0,11%.

Tín dụng tại TP.HCM giảm nhẹ trong hai tháng đầu năm. Ảnh: Internet
Mặc dù giảm nhẹ so với tháng trước, song tín dụng tháng 2 trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì những điểm tích cực, gắn với chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, tín dụng cho vay bằng ngoại tệ lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, tăng 1,37% so với tháng trước. Kết quả này gắn liền với sự tăng trưởng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 2 và tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho động lực tăng trưởng kinh tế thuộc lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung cho lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ và tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm khoảng 75% và chủ yếu là nhu cầu vốn ngắn hạn. Việc giải ngân và doanh số cho vay tăng là yếu tố phản ánh tín dụng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, doanh số cho vay tháng 2/2025 tăng 14% so với tháng trước.
Năm 2025, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng cao, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ở mức 16% và có thể linh hoạt điều chỉnh tùy nhu cầu vốn của thị trường. Với diễn biến tín dụng 2 tháng đầu năm như trên, các chuyên gia cho rằng, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các sở ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, giảm chênh lệch cung-cầu vốn hiện nay.
Trong năm 2024, tổng dư nợ tín dụng của TP.HCM đạt khoảng 3,943 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn trước đó.
Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng, chiếm khoảng 75% tổng tín dụng. Đặc biệt, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, một số nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do yêu cầu về tài sản thế chấp và điểm tín nhiệm.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ở mức 16%, với kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Dư nợ tín dụng TP. Hồ Chí Minh năm 2025 được dự báo sẽ tăng khoảng 14-16%, đạt mức 4.500 - 4.600 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon, dự kiến sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp, thuộc 3 lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng, được đưa vào tham gia thị trường.