TP. Hồ Chí Minh: Triển khai các biện pháp quản lý giá cả, bình ổn thị trường

Thị trường tiêu dùng
11:45 AM 15/08/2022

Thời gian gần đây, giá xăng đã có 4 kỳ liên tiếp điều chỉnh giảm giá bán nhưng trên thị trường giá cả các loại hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống... đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày của người dân.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính, đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến; kiểm soát việc chấp hành quy định về giá hàng hóa tại các chợ, siệu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... 

TP. Hồ Chí Minh: Triển khai các biện pháp quản lý giá cả, bình ổn thị trường  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng tại các siêu thị

Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp triển khai mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, đảm bảo điểm bán hàng treo băng rôn "Điểm bán hàng bình ổn thị trường", chấp hành nghiêm quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, trong đó, giá bán lẻ các mặt hàng bình ổn thị trường phải thấp hơn hoặc bằng giá do Sở Tài chính công bố. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm, khu vực kinh doanh tự phát - nhất là các điểm xung quanh chợ truyền thống, chợ đầu mối và khu dân cư, phối hợp kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm - nhất là mặt hàng thịt heo.

Đối với hệ thống phân phối như: siêu thị, của hàng tiện lợi... dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp với doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng, giá cả ổn định, không làm tăng giá bất hợp lý; tiếp tục rà soát, hỗ trợ, áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giàm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng, đồng thời quan tâm, nghiên cứu, có chính sách ưu đãi đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thết yếu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đối với Ban quản lý các chợ đầu mối theo dõi số lượng hàng hóa xuất - nhập, tình hình gía cả hàng hóa tại nguồn về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ, đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ, thực hiện nghiêm quy định  về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xừ, đảm bảo an toàn thực phẩm...

Người dân hy vọng với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, thiết thực của các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp... sẽ sớm quản lý giá cả hàng hóa, góp phần bình ổn thị trưởng TP. Hồ Chí Minh.

Minh Yến
Ý kiến của bạn