TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phòng, chống dịch - Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu.

Địa phương
10:27 AM 10/08/2021

Đã có hơn 365.000 người lao động, hộ kinh doanh, thương nhân ở các chợ truyền thống TP. Hồ Chí Minh đã thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ của thành phố và trung ương do tác động của Covid-19.

Hoàn thành chi trả 100% gói chính sách hỗ trợ

 Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1/8, đã có hơn 365.000 trường hợp người lao động, hộ kinh doanh, thương nhân ở các chợ truyền thống đã thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ của thành phố và trung ương do tác động của dịch Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phòng, chống dịch - Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu. - Ảnh 1.

TP.HCM ưu tiên phòng, chống dịch - Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu

 Theo đó, có 311.619/311.619 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm đã nhận được hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương với kinh phí hơn 467,428 tỷ đồng (đạt tỷ lệ hoàn thành 100%).

 Thành phố Thủ Đức là địa phương chiếm tỷ lệ đông nhất với hơn 32.276 người. Tiếp theo là quận Bình Thạnh với hơn 28.458 người. Ít nhất là huyện Nhà Bè với 4.103 người; huyện Cần Giờ, Quận 3 và quận Phú Nhuận, mỗi đơn vị chỉ hơn 5.000 người.

 Các địa phương cũng đã hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ cho 5.563 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với kinh phí hơn 11,2 tỷ đồng. Trong đó, 6 địa phương có các trường hợp này gồm quận Gò Vấp (với 4.978 hộ kinh doanh), Bình Tân (441 hộ), huyện Hóc Môn (57 hộ), Quận 8 (47 hộ), Quận 12 (45 hộ), huyện Củ Chi (35 hộ). Ngoài ra, các địa phương cũng đã hỗ trợ 10.432/12.554 thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt tỷ lệ 83,10%) với kinh phí hơn 15,7 tỷ đồng.

 Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Thành phố cũng đang tiếp tục thống kê số lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo…

 Ngay sau khi được thông qua chi từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương sẽ tiến hành chi hỗ trợ ngay cho các trường hợp này để đảm bảo đời sống cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

 Cùng với việc chi hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố, TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai chi hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

 Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 100% chính sách giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ 38.214/46.238 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí hơn 77,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,65%).

 Đồng thời, hỗ trợ 141/1.259 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí 291,8 triệu đồng (đạt tỷ lệ 11,20%).

 Liên quan đến cùng lúc thành phố triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố và Nghị quyết 68 của Chính phủ, ông Lê Minh Tấn cho biết, trong trường hợp người thụ hưởng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố và Nghị quyết 68 của Chính phủ, thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phòng, chống dịch - Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu. - Ảnh 2.

Lao động tự do tại TP.HCM đã nhận được hỗ trợ

 Trường hợp đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 và sau đó nếu đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68, người thụ hưởng sẽ được hỗ trợ bổ sung cho bằng mức theo quy định. 

Người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền được tiêm vắc xin

 Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, đảm bảo độ bao phủ vắc xin trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP đã ban hành Công văn số 2552/BCĐ điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 5. 

 Theo đó, đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này là người từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Ưu tiên cho người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền mạn tính, lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tuyến đầu khác. 

 Đối với những người ngoài các nhóm ưu tiên trên, địa phương sắp xếp tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi). 

 Đồng thời, bố trí những người thuộc nhóm cần thận trọng (người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền mạn tính) khi tiêm chủng được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị; lưu ý sắp xếp mời tiêm những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng từ các đợt tiêm trước.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phòng, chống dịch - Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu. - Ảnh 3.

TP.HCM tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi

 Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác) và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư với tổng số 1.200 đội tiêm, đặt mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội tiêm.

 Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. 

 Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, các lực lượng y tế đã về hưu, đảm bảo sức khỏe, chuyên môn và tình nguyện tham gia chiến dịch; Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

 Đặc biệt, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng; phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Theo đó, các lực lượng, địa phương thông báo thời gian theo khung giờ và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và tránh tập trung đông người tại một thời điểm; Sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp; Có thể tổ chức buổi tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin. 

Bá Vương - Minh Hằng
Ý kiến của bạn
Giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng vào kỳ điều hành ngày 3/4 Giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng vào kỳ điều hành ngày 3/4

Theo kế hoạch, ngày mai (3/4) là thời điểm liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Căn cứ giá xăng dầu tuần qua, các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu ngày 3/4 có thể sẽ được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp.