TP Hồ Chí Minh xuất khẩu tăng trưởng dẫn đầu cả nước
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP. HCM dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch đạt 47,5 tỷ USD, xếp cuối bảng là Lai Châu với kim ngạch 20,4 triệu USD.
Trong khuôn khổ hội thảo Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Báo Công Thương tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022.
Theo đó, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; cập nhật về kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập Hiệp định CPTPP của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…
Theo báo cáo, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: TP Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD.
10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 20.468.841 USD, Sơn La 21.801.054 USD, Bắc Kạn 33.466.825 USD, Điện Biên 42.686.980 USD, Ninh Thuận 46.223.574 USD, Cao Bằng 60.200.126 USD, Hà Giang 88.014.734 USD, Đắk Nông 111.800.984 USD, Tuyên Quang 137.569.864 USD, Quảng Bình 196.610.302 USD.
Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam các năm 2016-2021, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản báo cáo này.
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA) và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Báo cáo xuất nhập khẩu trong những năm qua được đánh giá là đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng để có kế hoạch, hoạch định công tác xuất nhập khẩu và thị trường.
Sau 6 năm ban hành, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ các đối tượng thụ hưởng là các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích để các doanh nghiệp nắm được các thông tin về tình hình thị trường, về tình hình mặt hàng cũng như những cơ chế chính sách quản lý xuất nhập khẩu, để có cái hoạch định, có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu.
Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.