TP. Huế: Lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật tố tụng và tổ chức cơ quan tư pháp
Chiều 29/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với một loạt dự án luật quan trọng dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh vai trò then chốt của hệ thống luật hình sự và tố tụng hình sự trong việc bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Các dự án luật lần này không chỉ sửa đổi kỹ thuật mà còn mang tính cải cách sâu rộng, hướng đến tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu quan tâm là đề xuất tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo mô hình hai cấp: Cấp bộ và cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Đây là bước đi phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra hình sự, giảm trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền.
Tương tự, mô hình tổ chức của Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân cũng được đề xuất theo hướng ba cấp: Tối cao, tỉnh và khu vực, bỏ cấp huyện và cấp cao. Mô hình mới này kỳ vọng sẽ tối ưu hóa nguồn nhân lực, tăng cường tính độc lập và chuyên môn trong hoạt động kiểm sát và xét xử.

Đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi về các nội dung cụ thể trong dự thảo. Đáng chú ý là đề xuất cho phép cơ quan tố tụng được điều tra, truy tố vắng mặt bị can trong một số trường hợp đặc biệt nhằm tránh kéo dài quá trình tố tụng do bị can bỏ trốn hoặc cố tình trì hoãn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cần có quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi pháp lý của người bị truy tố.
Ngoài ra, một thay đổi quan trọng trong dự thảo là việc thu hẹp thẩm quyền điều tra của các cơ quan không chuyên trách như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư. Theo đó, các cơ quan này sẽ không còn quyền khởi tố, điều tra mà chỉ thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong vòng 7 ngày. Nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất này nhằm đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp trong điều tra hình sự.
Tại hội nghị, Bộ đội Biên phòng TP. Huế kiến nghị bổ sung thẩm quyền điều tra tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 255 Bộ luật Hình sự) cho lực lượng Biên phòng, đặc biệt ở những khu vực biên giới trọng điểm như các khu du lịch, nhà nghỉ, quán karaoke – nơi các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy có xu hướng gia tăng. Hiện tại, thẩm quyền này chủ yếu giao cho Đồn Biên phòng vùng sâu, vùng xa, trong khi tội phạm ma túy thường phát sinh ở các khu vực trung tâm – nằm ngoài phạm vi điều tra của các đơn vị này.
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, cơ quan chuyên môn, đại diện lực lượng vũ trang, các sở, ban, ngành. Bà nhấn mạnh, những ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp và chuyển đến các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo luật trình tại kỳ họp tới.
Bà Sửu cũng lưu ý rằng việc sửa đổi hệ thống luật hình sự, tố tụng không chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp mà còn thể hiện định hướng cải cách tư pháp, tăng cường pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần phải có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan tiến hành tố tụng, chuyên gia pháp luật, và nhân dân để bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đúng định hướng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hội nghị lấy ý kiến về các dự án luật quan trọng là hoạt động thường niên có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng lập pháp, phản ánh đầy đủ tiếng nói của địa phương trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia.
Thái Quảng
Với việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và ban hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đến với người nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi cho ngân sách nhà nước được gần 5.000 tỷ đồng.