TP. Huế: Mạnh mẽ bứt phá trong năm 2023

Địa phương
05:09 PM 12/02/2023

Tính đến nay, TP. Huế triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen. Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, tạo cơ hội để tiếp tục bứt phá trong năm 2023, là đô thị trung tâm đưa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ tháng 3/2022, dịch COVID- 19 cơ bản đã được kiểm soát, ngành du lịch thành phố đã khôi phục các hoạt động dịch vụ, tour tuyến; phố đi bộ hoạt động trở lại, phố đêm Hoàng Thành khai trương do đó lượng khách du lịch đến Huế tăng mạnh. Tổng lượt khách đến Huế năm 2022 đạt 1,8 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 1,2 triệu lượt khách, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng ngày khách đạt 1,4 triệu ngày, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước; doanh thu du lịch đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2021. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, sức mua của người dân cũng như du khách có mức tăng đáng kể, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 46.132 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Thành phố Huế: Mạnh mẽ bứt phá trong năm 2023   - Ảnh 1.

Một góc thành phố Huế

Về hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có sự phục hồi, các mặt hàng có sản lượng lớn như sản xuất chế biến thực phẩm đặc sản, may và gia công trang phục tiếp tục duy trì. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao, tổng trị giá xuất khẩu năm 2022 ước đạt 180 triệu USD. Ngoài ra, dự án (DA) tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể "Hương trầm Huế" cho sản phẩm hương trầm Thuỷ Xuân Huế. Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Áo dài Huế" cho sản phẩm áo dài tỉnh tiếp tục triển khai trong năm 2022 tạo cơ hội để phát triển du lịch, dịch vụ.

Nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng đô thị trung tâm và các phường, xã mới sáp nhập. Năm 2022 thành phố tập trung tháo gở các khó khăn vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong năm. Các chương trình, DA trọng điểm trong năm gồm đền bù giải tỏa Khu vực I di tích Kinh thành Huế, cải thiện môi trường nước, nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu và 7 DA chỉnh trang đô thị thuộc Khu B An Vân Dương, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP. Huế mở rộng đã triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. 

Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố là 754,6 tỷ đồng, trong đó HĐND thành phố giao đầu năm 216,8 tỷ đồng; nguồn vốn năm trước chuyển sang, nguồn tài trợ, nguồn tỉnh bổ sung có mục tiêu trong năm 537,8 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2022 đạt 620,18 tỷ đồng, đạt 82,18%.

Mặt khác, công tác trật tự đô thị (TTĐT) - trật tự xây dựng được tăng cường. Các đơn vị, địa phương đã tổ chức ra quân lập lại tình hình TTĐT, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, để xe không đúng nơi quy định cũng như các trường hợp để vật liệu, rác thải xây dựng trên vỉa hè… và đã xử lý gần 300 trường hợp vi phạm góp phần đảm bảo TTĐT, an toàn giao thông trên địa bàn. Trong hoạt động xây dựng, đã tiến hành kiểm tra, xử lý 1.205 trường hợp, xử phạt hơn 7 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, TP. Huế thúc đẩy hơn nữa việc phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa, khai thác hiệu quả các dư địa tiềm năng; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là thương mại - dịch vụ. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, đô thị xanh góp phần tạo động lực cùng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa.

Ngoài ra, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.050 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng 10- 12%, thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với dự toán. 

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai 6 chương trình trọng điểm, gồm chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; di dời các hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế; nâng cấp các xã lên phường. 

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để triển khai 9 DA trọng điểm, gồm DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế. Đền bù giải phóng mặt bằng các DA: Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, cải thiện môi trường nước, DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm Công nghiệp An Hòa giai đoạn 9 và 10; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu...

Thành phố Huế: Mạnh mẽ bứt phá trong năm 2023   - Ảnh 2.

Phố đêm Hoàng thành Huế (Ảnh: BLĐ)

Và nhiệm vụ quan trọng nữa là triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, đào tạo, nâng cao tay nghề đối với đội ngũ người lao động; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các sản phẩm dịch vụ mới phục vụ du lịch, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu lại nguồn khách. Tiếp tục thực hiện tốt đề án Phố đêm Hoàng Thành; tổ chức, quản lý tốt các Phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; tổ chức hình thành và đưa vào hoạt động phố đi bộ Hai Bà Trưng, tiếp tục xây dựng các tuyến phố văn minh thương mại, khai thác hiệu quả tuyến đường đi bộ bờ nam sông Hương kết hợp tuyến đường đi bộ bờ bắc sông Hương, trong đó chú trọng hoàn thiện các dịch vụ du lịch, giao thông tĩnh tạo điểm nhấn phục vụ du khách và người dân.

Định hướng mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đặc biệt, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Ngọc Tú - Quảng Bình
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.