TP Huế: Phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho người dân

Địa phương
10:09 AM 22/05/2025

Phong trào "Bình dân học vụ số" do UBND thành phố Huế phát động đang góp phần đưa kiến thức chuyển đổi số và kỹ năng số đến với mọi tầng lớp nhân dân, tạo nền tảng cho một xã hội số toàn diện, bao trùm.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. 

Phong trào “Bình dân học vụ số” vừa được UBND thành phố Huế triển khai sẽ góp phần phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn người dân trên địa bàn; mọi người dân đều được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác và thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.

Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào cuộc sống, phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào này kế thừa cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” cách đây gần 80 năm do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. 

Nếu như trước kia, đó là cuộc cách mạng xóa mù chữ, thì trong kỷ nguyên công nghệ số ngày nay, đây là một cuộc cách mạng về nhận thức, kỹ năng và hành động đưa tri thức số đến từng người dân, từng gia đình, từng thôn xóm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Để đảm bảo các điều kiện công dân số, đến nay, toàn thành phố đã thu nhận 1.230.841 hồ sơ cấp CCCD/căn cước; thu nhận 985.872 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 805.597 tài khoản. Tạo lập 77.877 ví điện tử Hue-S, hơn 173.000 tài khoản ví Viettel Money và hơn 700 điểm chấp nhận thanh toán điện tử qua Hue-S. Tiếp nhận, cấp phát hơn 29.723 chữ ký số công cộng cho người dân.

TP Huế: Phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho người dân- Ảnh 1.

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân

Đặc biệt, thành phố đang nghiên cứu xây dựng chức năng "Bình dân học vụ số" trên Hue-S biến Hue-S trở thành nền tảng số đặc thù phục vụ đắc lực cho Phong trào. Nhanh chóng xây dựng, đưa vào sử dụng trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cá nhân hóa nội dung học, bảo đảm trải nghiệm phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng người dùng. 

Duy trì, vận hành và nghiên cứu nâng cấp cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số thành phố. Xây dựng và ban hành khung kỹ năng số, kèm theo hướng dẫn đánh giá, xác nhận đạt trình độ phổ cập kỹ năng số cho bốn nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước; học sinh, sinh viên; người lao động trong các doanh nghiệp; người dân. 

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để cập nhật, nâng cao trình độ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trên địa bàn toàn thành phố; lồng ghép, đưa nội dung chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số vào các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước theo quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ được thành phố Huế triển khai toàn diện, sâu rộng đến từng người dân tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số; lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số.

Yêu cầu đặt ra khi triển khai phong trào là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào.

Đồng chí Nguyễn Thành Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết thêm, theo kế hoạch, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện các mô hình, phong trào nhằm triển khai sâu rộng Phong trào "Bình dân học vụ số", trong đó tập trung tăng cường vai trò nòng cốt của Tổ công nghệ số cộng đồng trong thực hiện Phong trào "Bình dân học vụ số"; Phát huy vai trò sinh viên qua mô hình "Đội sinh viên tình nguyện số"; Triển khai mạng lưới "Đại sứ số"; Phát động phong trào "Gia đình số"; Xây dựng mô hình "Chợ số - Nông thôn số"; Triển khai mô hình "Mỗi công dân - Một danh tính số"; Tổ chức chiến dịch thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số.

Thành phố cũng sẽ huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất; Đảm bảo đảm hạ tầng, đường truyền, kết nối Internet; Lồng ghép thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” vào kế hoạch triển khai đề án, chương trình, chiến lược liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do UBND thành phố chủ trì nhằm đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất mà phong trào đề ra

Minh Tú
Ý kiến của bạn
Chỉ 11% doanh nghiệp tại Việt Nam "đạt chuẩn" về sẵn sàng an ninh mạng Chỉ 11% doanh nghiệp tại Việt Nam "đạt chuẩn" về sẵn sàng an ninh mạng

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đủ năng lực, quy trình hoặc sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với các sự cố an ninh mạng đang ngày càng tinh vi, phức tạp và để lại hậu quả nặng nề.