TP Thái Nguyên: Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ
Với mục tiêu góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên đã triển khai thực hiện mô hình: Sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Trong vụ Đông - Xuân 2023 - 2024, mô hình này được thực hiện tại 03 xã là Đồng Liên, Linh Sơn và Tân Cương với quy mô 24 ha (trong đó xã Đồng Liên 18ha, xã Linh Sơn 03ha và xã Tân Cương 03ha). Thời gian thực hiện vụ Đông - Xuân năm 2023 - 2024 (từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024) với tổng số 219 hộ dân tham gia.
Giống lúa thực hiện tại mô hình là 02 giống lúa thuần: HD11, HDT10 do Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội cung ứng.
HD11 và HDT10 là hai giống lúa do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận từ năm 2019 và đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh Thái Nguyên năm 2020.
Giống lúa HD11 là giống cảm ôn, thích ứng rộng, đẻ nhánh khá và tập trung. HDT10 là giống lúa thơm, chất lượng cao, cảm ôn nên có thể gieo cấy được cả trong vụ Xuân và vụ Mùa, thời gian sinh trưởng miền Bắc. Phân bón sử dụng trong mô hình được cung ứng từ Công ty TNHH Thương mại và Nông nghiệp Anh Khôi gồm 2 loại: phân hữu cơ sinh học Quế Lâm 03 và phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm 14. Ngoài ra trong mô hình còn được khuyến cáo sử dụng thêm phân chuồng hoai mục và phân hữu cơ khoáng nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây lúa phát triển tùy vào điều kiện đồng đất từng địa phương.
Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cho biết: Trong canh tác lúa khi sử dụng phân vô cơ nhiều năm, ít hoặc không sử dụng phân bón hữu cơ sẽ gây tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, tiêu diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.
Việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái, về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn.
Canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh điều kiện ngoại cảnh tốt, số bông/khóm, số hạt chắc/bông cao; Năng suất đạt trên 2 tạ/sào (tương đương với phương pháp canh tác thông thường). Chất lượng 02 giống lúa thuần được sử dụng trong mô hình là giống lúa chất lượng cao, khi được canh tác theo phương pháp hữu cơ tạo ra chất lượng gạo thành phẩm cao hơn, đảm bảo độ an toàn hơn nên sẽ dễ tiêu thụ trên thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Sử dụng phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật trong đất hoạt động, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng, … cùng sinh sống trên ruộng lúa. Quy trình canh tác hữu cơ giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường, giúp môi trường đất nước được an toàn hơn, giảm ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hoá học với diện tích tập trung, quy mô lớn sẽ tạo vùng sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao cho thị trường. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người sản xuất.
Canh tác lúa hữu cơ là hướng đi hiệu quả bền vững, phù hợp với chủ trương của thành phố Thái Nguyên và là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, mang đến sản phẩm lúa an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng.
Quang HưngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.