TP Thanh Hóa: Chợ 4.0 - Chợ thời công nghệ số

Địa phương
05:55 PM 20/04/2023

Thời gian gần đây, tại các chợ trên địa bàn TP. Thanh Hóa mô hình chợ 4.0 đang được triển khai mạnh mẽ nhằm đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày. Người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Với mô hình này, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng điện tử vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.

TP Thanh Hóa: Chợ 4.0 - Chợ thời công nghệ số - Ảnh 1.

Có thâm niên gần 30 năm buôn bán hải sản khô tại chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Trâm, một tiểu thương cho biết: "Trước đây khi chưa có hình thức thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR code, tôi thường phải tích trữ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng, đặc biệt là những dịp lễ, hay giáp tết, lượng khách mua hàng đông thì việc quản lý tiền hàng, thanh toán tiền hàng cho đầu mối lấy hàng... khá vất vả, đôi khi còn gặp phải các rủi ro như tiền rách, tiền giả hoặc mất mát. Hiện nay, tất cả những khó khăn này đều đã có thể được giải quyết khi chúng tôi được hướng dẫn sử dụng mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán, rất thuận lợi, nhanh gọn".

Chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, từ đó giúp hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân. TP Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2023, 90% tiểu thương tham gia bán hàng tại các chợ, các hộ kinh doanh và người dân thực hiện việc mua, bán hàng hóa sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ triển khai mô hình Chợ 4.0.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Ban Quản lý chợ Điện Biên cho biết: Triển khai kế hoạch chợ 4.0, chúng tôi đã cùng với chính quyền thu thập thông tin của các tiểu thương để tạo tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, tạo mã quét QR miễn phí. 

Chợ Điện Biên hiện có hơn 200 tiểu thương. Ban quản lý chợ xác định xây dựng chợ Điện Biên thành chợ 4.0 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số tại chợ 4.0, trong đó, tập trung vào các nội dung: Thanh toán không dùng tiền mặt; đưa các sản phẩm địa phương tại chợ lên sàn thương mại điện tử; sử dụng các loại hóa đơn, biên lai tại chợ 4.0 bằng phương thức điện tử... Phấn đấu hết năm 2023, 80% tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ được trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

TP Thanh Hóa: Chợ 4.0 - Chợ thời công nghệ số - Ảnh 2.

Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là đơn vị xây dựng kế hoạch và trực tiếp triển khai mô hình này. Để chương trình chuyển đổi số được diễn ra đồng bộ và hiệu quả cao, Viettel tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng hình thành nên hệ sinh thái tài chính số.

Cụ thể, toàn bộ các tiểu thương ở chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số qua Viettel Money như một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản...); thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money (tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường...); thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau.

Ban Quản lý chợ sẽ thanh toán số các khoản phí thu tại chợ… và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại Chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt. Phấn đấu 100% các chợ triển khai mô hình Chợ điện tử sử dụng các loại hóa đơn, biên lai thu phí tại chợ bằng hình thức điện tử; mỗi Chợ 4.0 đưa tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.

Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn và triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 đảm bảo hiệu quả. Thực hiện vai trò đơn vị đầu mối, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình.

Để Chợ 4.0 hoạt động hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh để trực tiếp hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh… từ đó tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

TP Thanh Hóa: Chợ 4.0 - Chợ thời công nghệ số - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các ngân hàng thương mại cung cấp nền tảng thanh toán số trên địa bàn tỉnh cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương mở rộng các tiện ích thanh toán số, phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích như mở tài khoản trực tuyến, mã QR… Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đảm bảo chính xác, an toàn trong thanh toán.

Tại chợ Tây Thành, việc triển khai xây dựng chợ 4.0 cũng được ban quản lý chợ quan tâm, đẩy mạnh, giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng ứng dụng quét mã QR và có các ưu đãi khi sử dụng phương thức thanh toán mới; tuyên truyền các tiểu thương thanh toán tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường, phí thuê mặt bằng... bằng hình thức số qua mã QR hoặc chuyển khoản... nhằm khuyến khích, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có khoảng 80% tiểu thương tại chợ Tây Thành có tài khoản ngân hàng hoặc mã QR để thanh toán.

Theo một số tiểu thương và người dân thường mua hàng tại các chợ nêu trên, thời gian đầu triển khai, họ đã cảm nhận được sự thuận tiện của phương thức thanh toán này. Bác Phạm Thị Bằng, tiểu thương tại chợ Tây Thành cho biết: "Tôi thấy việc dùng tài khoản để giao dịch rất tiện lợi. Nhất là khi khách đến mua hàng đông, mình không cần đọc số tài khoản mà chỉ cần quét QR code là xong, đảm bảo chính xác, tiện lợi. Phương thức này tiện dụng cho cả người bán lẫn người mua, trong đó, người mua không cần mang theo tiền mặt, người bán không cần phải tính toán số tiền thừa phải trả, do đó sẽ khắc phục tình trạng bù tiền nhầm. Người đi chợ chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là đủ. Vì vậy nên nhân rộng mô hình này".

Kể từ khi triển khai mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại chợ Điện Biên, UBND TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chợ 4.0 ra các phường, xã trên địa bàn nhằm thông qua việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh, tạo điều kiện cho các tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm. Từ đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn địa bàn, giúp cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh trở nên bền vững hơn trước những thay đổi trong tương lai.

Mặc dù có những thuận lợi nhất định, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số "chợ 4.0", không phải người dân hay tiểu thương nào cũng mặn mà với mô hình này. Nhiều người chưa hiểu hoặc thành thạo phương thức thanh toán mới. Bởi vậy, để mô hình chợ 4.0 thực sự phát huy hiệu quả, cần thêm sự quan tâm, chung tay giữa cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân.

Việc triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt lưu thông.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.