Tp. Thanh Hóa: Cương quyết chấn chỉnh trật tự đô thị

Địa phương
11:46 AM 03/08/2022

Cấp ủy Đảng, chính quyền TP. Thanh Hóa xác định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trật tự đô thị (TTĐT) chính là xây nền móng bền vững cho một thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp" và đô thị văn minh, hiện đại. Bởi vậy, cùng với việc chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, TP. Thanh Hóa đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể, bài bản, nhằm từng bước lập lại trật tự, mỹ quan đô thị.

TP. Thanh Hóa có 34 phường, xã nhưng vấn đề TTĐT, nhất là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán, xây dựng không phép, trái phép, ùn tắc giao thông, dừng đỗ xe ô tô sai quy định chủ yếu "nóng" ở các phường nội thành, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, giao thương sầm uất. Mặc dù TP. Thanh Hóa đã chỉ đạo các phường, xã và lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý về TTĐT song chỉ một thời gian ngắn tình trạng lại tái diễn.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, HĐND TP. Thanh Hóa khóa XXII mới đây, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Lê Anh Xuân nhấn mạnh: Công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường chưa có nhiều chuyển biến mặc dù đã đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nhiều lần. Tại kỳ họp, lãnh đạo UBND TP. Thanh Hóa cũng thừa nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự đô thị. Bên cạnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép, nổi lên tình trạng người dân đổ rác ra lòng đường, vỉa hè, đổ đất đá thải, phế thải không đúng quy định; tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán vẫn còn tái diễn.

TP. Thanh Hóa: Cương quyết chấn chỉnh trật tự đô thị - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phường Đông Sơn tổ chức ra quân, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị

Nguyên nhân được đưa ra là do công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về TTĐT, vệ sinh môi trường hiệu quả chưa cao, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Cá biệt, có một số phường, xã còn buông lỏng quản lý, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt trong xử lý các trường hợp vi phạm. Mặt khác, một bộ phận Nhân dân chưa chấp hành tốt các quy định của luật pháp về TTĐT, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Những vấn đề này tuy đã được chỉ ra và thảo luận tại nhiều hội nghị do Thành ủy và UBND thành phố tổ chức; thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", lãnh đạo thành phố quyết tâm nhưng không phải đơn vị, phường, xã, phố, thôn nào cũng chia sẻ, đồng hành.

Trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường, phố, như: Hàng Đồng, Lê Hồng Phong, Hà Văn Mao, Nguyễn Trãi... luôn diễn ra tình trạng ô tô dừng, đỗ sai quy định và vỉa hè bị chiếm dụng, không dành cho người đi bộ, gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các tuyến phố đã có diện mạo khác, vỉa hè, lòng đường thông thoáng, các phương tiện giao thông được dừng, đỗ quy củ... 

Để có được những tuyến đường, phố thông thoáng, từ cuối năm 2021, TP. Thanh Hóa đã xây dựng và thực hiện phương án thí điểm bố trí các điểm dừng, đỗ xe trên 4 tuyến đường, phố Hà Văn Mao, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi và Hàng Đồng. Theo đó, các lực lượng chức năng thành phố đã phối hợp với các phường cắm các biển báo hiệu, kẻ vạch sơn các ô đỗ xe ô tô từ 4 đến 7 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, trên tuyến đường Lê Quý Đôn đoạn từ Trường THCS Trần Mai Ninh đến Trường THPT Đào Duy Từ, các lực lượng chức năng thành phố phối hợp với phường Ba Đình cắm biển cấm dừng, đỗ theo giờ, nhằm tránh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm học sinh tan học. 

Sau khi đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm bố trí các điểm dừng, đỗ xe trên 4 tuyến đường, phố Hà Văn Mao, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi và Hàng Đồng và cắm biển cấm dừng, đỗ theo giờ tuyến đường Lê Quý Đôn, TP. Thanh Hóa chỉ đạo lực lượng chức năng nhân rộng ra nhiều phường khác ở trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, ngày 7/3/2022, UBND TP. Thanh Hóa đã có công văn gửi các phường, xã và lực lượng chức năng thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm TTĐT trên địa bàn thành phố. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Thanh Hóa, Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị phối hợp với các phường, xã tổ chức lực lượng ra quân xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè; các tụ điểm vi phạm trật tự công cộng; họp chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng, lề đường gây ùn tắc giao thông cục bộ; tháo dỡ và thu giữ băng rôn, cờ phướn, biển quảng cáo, biển báo sai quy định...

TP. Thanh Hóa: Cương quyết chấn chỉnh trật tự đô thị - Ảnh 3.

Các lực lượng chức chức năng thành phố Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị

Ngày 26/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu cấp ủy, chính quyền các phường, xã và các lực lượng chức năng từ thành phố đến cơ sở phải xác định công tác bảo đảm TTĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Do đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất.

Trật tự là bộ mặt của đô thị, thành phố dù có phát triển kinh tế mạnh tới đâu, nhưng nếu như trật tự đô thị không được đảm bảo, thì sẽ rất khó để tạo ra một diện mạo văn minh. Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", vì vậy chắc chắn sẽ không có chỗ cho sự thờ ơ, đủng đỉnh, mọi công việc phải có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ theo đúng yêu cầu, tiến độ mà nghị quyết đặt ra.

TP. Thanh Hóa là bộ mặt của cả tỉnh, không thể vì bất cứ lý do gì mà để bộ mặt bị ảnh hưởng bởi rác bẩn, vì vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng. Tại kỳ họp HĐND thành phố lần này, đồng chí Bí thư Thành Ủy đã yêu cầu phải đề ra các giải pháp có tính khả thi cao hơn nữa để nhanh chóng khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo. Nên xem đây là giới hạn cuối cùng để các phòng, ban, phường, xã, đơn vị trên địa bàn thành phố siết lại kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, nêu cao sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Bất cứ sự thờ ơ, đủng đỉnh nào cũng là đi ngược lại lợi ích chung, kéo lùi sự phát triển của thành phố.

Để lập lại TTĐT trên địa bàn TP. Thanh Hóa một cách bài bản, bền vững cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các phường, xã và lực lượng chức năng thành phố vừa giữ vai trò chủ công nòng cốt trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn TTĐT; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trong nâng cao hiệu quả quản lý lòng đường, vỉa hè, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn và tự tổ chức thực hiện việc trông giữ xe, thu phí theo quy định hiện hành.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.