TP. Thanh Hóa: Đổi mới, sáng tạo hướng đến chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất
Trong những năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước...
Chú trọng nâng cao kiến thức cho học sinh
Việc nâng cao kiến thức cho học sinh (HS) chính là yếu tố cốt lõi mà các trường học trên địa bàn thành phố quan tâm đầu tư. Với mục tiêu đào tạo các thế hệ HS phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị học tập theo hướng hiện đại, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Thanh Hóa tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hướng đến chuyển đổi số và tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại cũng như phát triển các khả năng hội nhập như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…
Hiện nay, 100% trường học đã trang bị thiết bị dạy học theo danh mục của Bộ GD&ĐT, nhiều trường có thiết bị dạy học hiện đại, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học. Đội ngũ giáo viên thường xuyên được bổ sung về số lượng và bồi dưỡng nâng cao chất lượng với 100% giáo viên đều đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Tính đến tháng 3/2023 tổng số trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có 155 trường bao gồm cả công lập, liên cấp và tư thục. Nhìn chung, mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã được rà soát, sắp xếp lại đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất các trường học đã được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Về đội ngũ giáo viên, toàn thành phố có tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc mầm non, phổ thông (tính đến tháng 3/2023) là 483 người, thiếu so với quy định.
Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao, chú trọng: Tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT đạt 95 - 100%. Số học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm đạt trên 85%. Số học sinh đạt giải trong các kỳ thi được duy trì. Điểm trung bình của học sinh THCS thi vào lớp 10 THPT luôn cao nhất tỉnh, số học sinh đậu vào trường chuyên Lam Sơn luôn đạt trên 67% số chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Năm học 2022-2023, học sinh thành phố tham gia cuộc thi: "Tìm kiếm tài năng toán học" do Hội Toán học Việt Nam tổ chức, học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh đã giành được 24 huy chương, trong đó có 3 huy chương Vàng, học sinh Trường THPT Hàm Rồng đạt giải Nhất cuộc thi Âm vang xứ Thanh năm 2022, giải Nhất Quý đường lên đỉnh Olympia năm 2023...
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch cụ thể, liên tục khảo sát, lựa chọn nguồn để nâng cao chất lượng học sinh. Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới phương pháp thi tuyển vào đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi Quốc gia đảm bảo đánh giá đúng năng lực. Trong kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm 2023, thành phố xếp thứ 3 toàn tỉnh (tăng 3 bậc so với năm học 2021-2022), số lượng học sinh tham gia các kỳ thi và đạt giải học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế cao.
Xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt
Cùng với tập trung nâng cao chất lượng kiến thức học thuật, ngành giáo dục thành phố đã và đang hướng đến nền giáo dục toàn diện về thể chất, kỹ năng, đạo đức… xây dựng mô hình trường học thông minh, trường học hạnh phúc, tạo môi trường thân thiện, không gian xanh truyền cảm hứng cho HS. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn.
Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để mỗi ngày đến trường của giáo viên, học sinh là một ngày vui, những năm gần đây, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã triển khai thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" và đến năm học 2022-2023, việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã trở thành mục tiêu lớn và được trường triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức tích cực.
Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: Việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" được bắt đầu bằng việc xây dựng môi trường giáo dục với các tiêu chí "Yêu thương - An toàn - Tôn trọng". Đó là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi; nguồn thực phẩm cho học sinh được lựa chọn, bảo đảm an toàn vệ sinh; hình thành cho các em tự giác, nền nếp ngay từ những việc nhỏ, như: Giữ vệ sinh sân trường, không dùng những đồ dùng gây ô nhiễm môi trường, xếp hàng ngay ngắn không làm ách tắc giao thông khi tan trường…
Trên nền tảng tôn trọng, yêu thương và chia sẻ, niềm hạnh phúc đã trở thành động lực để giáo viên phát huy hết trách nhiệm, tâm huyết, học sinh tích cực học tập, rèn luyện. Để tạo môi trường thân thiện, hiện tại các trường trên địa bàn thành phố cũng đang tiến hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Từ việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đã và đang từng bước điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình trong các tình huống.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 2 chia sẻ: "Các thầy, cô giáo trong trường đã không ngừng thay đổi, trau dồi kiến thức để mang đến những giờ học hạnh phúc nhất cho HS, để các em thấy rằng, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Không để học sinh quá nặng nề, áp lực việc học tập, nhà trường lựa chọn phương pháp giáo dục tối ưu để đem đến cho các em những tiết học hứng thú bằng cách tổ chức nhiều hoạt động tích cực, tăng tính gắn kết, tương tác giữa HS và giáo viên.
Cùng đó, xây dựng môi trường xanh, thân thiện để các em thấy được sự yêu thương, an toàn, được tôn trọng khi đến trường. Mong muốn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi học sinh đã trở thành mục tiêu lớn nhất của nhà trường. Thế nên, mỗi sự kiện, mỗi sân chơi là thêm một cơ hội để các em được trải nghiệm, được hòa đồng thể hiện năng khiếu, sở trường, được nói lên tiếng nói của mình".
Chia sẻ với phóng viên đồng chí Lê Thành Đồng - Q. Trưởng phòng GD&ĐT TP. Thanh Hóa nhấn mạnh: "Trường học hạnh phúc" được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, từ việc giảng dạy, rèn luyện cho đến các hoạt động đi kèm. Để tạo nên một "Trường học hạnh phúc" thì mỗi thành viên trong ngôi trường đó bao gồm học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều phải hạnh phúc. Và như vậy, để một "Trường học hạnh phúc" thì mỗi lớp học trong ngôi trường đó đều phải hạnh phúc, bởi lớp học là "tế bào" để tạo nên một ngôi trường.
Để xây dựng nên một "Trường học hạnh phúc" không thể một sớm một chiều mà là từng chút một. Với nhà trường đó là việc bắt đầu từ sự thay đổi môi trường lớp học, tạo tâm thế thoải mái, thư thái nhất cho thầy và trò mỗi ngày đến trường, mỗi giờ lên lớp.
Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố đều đồng loạt triển khai mô hình này, mỗi trường một cách làm khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là để tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện cả về thể chất, tâm hồn và tri thức, giúp các em gắn kết, hòa đồng với nhau. Đây cũng là một trong những phương pháp mà chúng tôi đang triển khai, tạo hiệu ứng rất tốt nhằm hạn chế tối đa vấn đề bạo lực học đường.
Đồng chí Q. Trưởng phòng GD&ĐT TP cũng cho biết: Bên cạnh việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, ngành giáo dục thành phố còn tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học ở các cơ sở giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, hợp tác cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ, tin học.
Đổi mới công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục theo hướng thực chất và hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá của các nhà trường, các giải pháp thực hiện cải tiến chất lượng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng.
Mới đây, tại Trường TPTH Hàm Rồng đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho học sinh. Năm học 2022-2023, nhà trường có 32 học sinh được kết nạp Đảng, đóng góp quan trọng vào công tác phát triển đảng viên mới của thành phố.
Việc kết nạp đảng viên là học sinh các trường THPT có ý nghĩa quan trọng, góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên, đồng thời lan tỏa niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng, sớm tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quê hương, đất nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 284 quần chúng ưu tú là học sinh các trường THPT được lựa chọn tham gia các lớp bồi dưỡng, nhận thức về Đảng, trong đó có 52 học sinh các trường THPT đủ điều kiện, tiêu chuẩn được kết nạp Đảng. Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao của Đảng ủy, chi ủy các trường THPT.
"Mục tiêu thời gian tới của ngành là xây dựng GD&ĐT thành phố phát triển toàn diện về cả tri thức - thể chất - đạo đức - kỹ năng. Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tiếp cận xu thế phát triển giáo dục tiên tiến của thế giới. Cơ cấu và quy mô trường lớp phát triển cân đối, chất lượng giáo dục được nâng cao theo hướng thực chất, toàn diện, bền vững, tạo được sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, hình thành hệ sinh thái giáo dục thành phố. Từ đó, đưa TP. Thanh Hóa trở thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao đứng đầu tỉnh", đồng chí Q. Trưởng phòng GD&ĐT thành phố - Lê Thành Đồng chia sẻ.
Yến HoàngLãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.