TP Thanh Hóa: Giải pháp cải thiện chỉ số DDCI giai đoạn 2022-2025

Địa phương
09:44 AM 20/06/2022

UBND TP Thanh Hóa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) đã tổ chức hội nghị thông tin, phân tích chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021 và đưa ra các giải pháp cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025.

TP Thanh Hóa: Giải pháp cải thiện chỉ số DDCI giai đoạn 2022-2025 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Mục đích của hội nghị nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý Nhà nước từ thành phố đến phường, xã về ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ chỉ số DDCI và các trọng số thành phần. Từ đó, làm cơ sở để khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của TP Thanh Hóa trong thời gian tới.

Năm 2021, TP Thanh Hóa đạt điểm số 57,35, xếp thứ 21/27 đơn vị khối huyện, thị xã, thành phố về đánh giá DDCI. Về điểm số và thứ hạng 8 chỉ số thành phần, TP Thanh Hóa đạt điểm ở mức khá với các chỉ số tính minh bạch, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, thiết chế pháp lý, chi phí thời gian. Trong khi đó, các chỉ số như tiếp cận đất đai, hỗ trợ DN, cạnh tranh bình đẳng... đạt điểm số trung bình và đang xếp ở thứ hạng thấp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được đại diện VCCI Thanh Hóa thông tin chi tiết về so sánh điểm số các chỉ số thành phần của TP Thanh Hóa với điểm cao nhất và thấp nhất của các đơn vị cùng được đánh giá. Đồng thời, nêu các danh mục, thông số là cơ sở đánh giá các chỉ số thành phần DDCI của TP Thanh Hóa, phân tích nguyên nhân, gợi ý, đề xuất các giải pháp cải thiện.

Theo VCCI Thanh Hóa, TP Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Số lượng, quy mô, trình độ của DN tại TP Thanh Hóa cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Với khối lượng công việc giải quyết nhiều, yêu cầu cao, là một trong những thách thức, áp lực lên bộ máy chính quyền, lực lượng cán bộ công chức, viên chức nhằm bảo đảm về thời gian và chất lượng công việc. Để nâng cao dần điểm số, cải thiện thứ hạng trong bộ chỉ số DDCI, TP Thanh Hóa cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN như: Minh bạch hơn các quy hoạch bằng các hình thức dễ tìm kiếm, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính tiếp cận đất đai...

TP Thanh Hóa: Giải pháp cải thiện chỉ số DDCI giai đoạn 2022-2025 - Ảnh 2.

Lãnh đạo VCCI Thanh Hóa thông tin, phân tích chỉ số DDCI của TP Thanh Hóa năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt cộng đồng DN, đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội DN TP Thanh Hóa đề xuất TP Thanh Hóa cần tăng cường các hoạt động đối thoại, giải quyết vướng mắc, khó khăn cùng DN; đồng thời nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc, xử lý công việc đối với DN, người dân.

Với mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền thành phố phục vụ sự phát triển của DN và đẩy mạnh thu hút đầu tư, TP Thanh Hóa phải tiếp tục lấy cải cách hành chính là khâu đột phá để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Đồng chí Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đề nghị các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường trên địa bàn phải nắm và thực hiện công khai các quy hoạch theo quy định; đồng thời, rà soát lại hệ thống quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính do đơn vị thực hiện; quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục tập trung, nghiên cứu về Bộ Chỉ số DDCI. Trong đó, cần xem xét cụ thể về các trọng số thành phần và thực hiện tốt nhiệm vụ công việc của đơn vị, cá nhân trong hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng DN, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TP Thanh Hóa trong thời gian tới.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.