TP. Thanh Hóa: Hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, nhiều năm qua, TP. Thanh Hóa đã tập trung huy động và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu của nhân loại trong kỷ nguyên hiện đại hóa và khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Đầu tháng 4/2023, TP. Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP. Thanh Hóa hiện trạng và huyện Đông Sơn, tổng diện tích khoảng 22.821ha. Theo đó, quy mô dân số từ 440.000 người, đến năm 2030 khoảng 800.000 người, đạt 1 triệu dân đến năm 2040.
Quy hoạch chỉ rõ đất xây dựng đô thị hiện chiếm khoảng 34%, tăng lên 49% năm 2030 và chiếm 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị đến năm 2040; phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa kết nối với ý tưởng chủ đạo là: tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc bộ); phát triển đô thị hai bên bờ sông Mã, kết nối mạnh về phía Đông, hướng ra biển, lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị.
Đồng thời quy hoạch tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã, hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị với tâm đô thị hiện hữu là hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị "3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên".
Chương trình cũng đề ra mục tiêu quy hoạch chi tiết định hướng một số khu vực đô thị, khu chức năng đô thị, khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Đồng thời, huy động, thu hút, kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả từng bước quy hoạch các dự án khu đô thị, khu chức năng đô thị theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, triển khai thiết kế và xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh và có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư triển khai các dự án theo mô hình này.
Phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; cơ bản hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái; quốc phòng an ninh được bảo đảm. Biến đô thi Thanh Hóa thành thành phố đáng sống.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp theo hướng hình thành trên cơ sở công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn cùng với sự phát triển mạnh của khu vực dịch vụ với các ngành lĩnh vực dịch vụ tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt là dịch vụ thương mại, du lịch. Mở rộng, phát triển các loại hình công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị lớn. Hoàn thiện khu Trung tâm tiếp vận, kho tàng, bến bãi (logistic), đô thị nhà ở xã hội phục vụ công nhân.
Bên cạnh đó, xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 05 năm và 10 năm. Theo đó, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư khoảng 158.831,57 tỷ đồng, trong đó đến năm 2025 là 40.892,57 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2026 - 2030 là 51.636,5 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2031 - 2040 là 66.302,5 tỷ đồng.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hoá, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Đồng thời quy hoạch khẳng định TP. Thanh Hóa là đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh.
Để thực hiện tốt đồ án quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa cần phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Thanh Hoá cho phù hợp với quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040; lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị, thiết kế các tuyến đường, trục cảnh quan đô thị quan trọng, tổ chức lập và ban hành quy chế quản lý kiến trúc TP. Thanh Hoá. Tiếp tục công bố, công khai sâu rộng nội dung quy hoạch theo quy định để nhân dân biết và tham gia, giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
Nhìn lại quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển và hội nhập ở TP. Thanh Hoá với phong cách dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo thành phố đã cùng toàn Ðảng bộ và nhân dân trăn trở suy nghĩ, tìm tòi cái mới để chỉ đạo, tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế cũ, thậm chí có lúc, có nơi phải "xé rào" vì lợi ích chung, TP. Thanh Hóa đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dân chủ của các tầng lớp nhân dân.
Các phong trào thi đua lao động giỏi, mỗi đoàn viên một sáng kiến với sự lớn mạnh của đơn vị, mỗi cá nhân một sáng kiến mỗi tập thể một công trình, xây dựng sản phẩm tiêu biểu... Qua đó, xuất hiện những tấm gương tiên tiến, điển hình trên các lĩnh vực: Xóa đói, giảm nghèo, Tuổi trẻ tình nguyện, Vượt khó vươn lên..., Việc đi tắt đón đầu về khoa học - công nghệ... chính là những xung lực mạnh mẽ tạo ra giá trị gia tăng về kinh tế.
Năm 2023, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế thành phố vẫn ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất đạt 73,407 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,09%; thu nhập bình quân đầu người đạt 84,86 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (thương mại - dịch vụ chiếm 33,04%; công nghiệp - xây dựng chiếm 65,86%; nông lâm, thủy sản chiếm 1.10%). Sản xuất công nghiệp tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn duy trì ổn định, tổng giá trị sản xuất đạt 48,165 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.
Một số ngành thương mại, dịch vụ có bước tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 42.487 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1.450 triệu USD, bằng 76,3% kế hoạch, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 17,5% so với kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước 3.539.708 triệu đồng, đạt 136,5% dự toán tỉnh; 113,3% dự toán thành phố giao.
Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2040, thành phố cần có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành một đô thị lớn về quy mô phát triển, có vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Yến HoàngVới hơn 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu, Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi thị trường Halal ngày càng rộng cửa. Ngoài việc thực hành sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Halal, đại diện Vinamilk cho biết, lời cam kết với người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp trụ vững tại nhóm thị trường này.