TP Thanh Hóa: Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự đô thị trên tuyến Quốc lộ 47

Địa phương
10:43 AM 21/03/2023

Nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, UBND TP Thanh Hoá đã giao cho phường Quảng Hưng chủ trì, phối hợp với 5 phường Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát tổ chức ra quân dọn dẹp, giải toả các tụ điểm lấn chiếm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thời gian vừa qua dọc tuyến Quốc lộ 47 đoạn qua các phường Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ để kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu, họp chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.

Theo quy định của pháp luật, trong phạm vi đất dành cho đường bộ, tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng để dùng vào mục đích riêng. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến Quốc lộ, tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ để họp chợ diễn ra khá phổ biến. Mặc dù đã có chợ quy hoạch nằm cạnh đường, nhưng người dân không vào chợ mà bán hàng ngay bên ngoài. Tuyến đường này hẹp, xe tải trọng lớn đi qua nhiều nhưng người dân vẫn vô tư dừng xe ngay trên lòng lề đường để mua bán, bất chấp nguy hiểm.

Thành phố Thanh Hoá mở đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự đô thị trên tuyến Quốc lộ 47 - Ảnh 1.

Để chấn chỉnh tình trạng này, bắt đầu từ ngày 12/3/2023, UBND thành phố Thanh Hóa giao cho phường Quảng Hưng chủ trì, phối hợp với 5 phường còn lại tổ chức ra quân dọn dẹp, giải toả các tụ điểm lấn chiếm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong những ngày đầu ra quân về cơ bản các tổ chức, cá nhân đã đồng thuận và có ý thức tự giác tháo dỡ lều quán, bán bình và tập kết hàng hoá. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ cá nhân vẫn cố tình vi phạm, những trường hợp này ngoài việc tịch thu tang vật vi phạm, các lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Cứ sau mỗi đợt ra quân chỉ được thời gian ngắn thì tình trạng tái lấn chiếm lại xảy ra. Đây cũng là khó khăn chung trong công tác đảm bảo trật tự đô thị của chính quyền các địa phương thời gian vừa qua. Vì vậy, mục tiêu của đợt ra quân lần này, chính quyền các phường xác định sẽ duy trì lực lượng cắm chốt vào các giờ cao điểm hàng ngày trên tuyến Quốc lộ 47, tập trung vào các điểm có nguy cơ xảy ra lấn chiếm cao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để sử dụng vào mục đích riêng.

Thành phố Thanh Hoá mở đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự đô thị trên tuyến Quốc lộ 47 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp, kết hợp đồng bộ 6 phường khép chặt địa bàn và kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm trên tuyến Quốc lộ 47, chống tái lấn chiếm xảy ra".

Việc vi phạm hành lang an toàn giao thông chưa được giải quyết dứt điểm là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, hoặc chưa quyết liệt trong xử lý; bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định đảm bảo hành lang an toàn giao thông còn hạn chế. Đây chính là các lý do khiến tình trạng xử lý họp chợ lấn chiếm lòng lề đường giống như "bắt nhái, bỏ đĩa".

Để nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 47, UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu 6 phường có tuyến đường đi qua chịu trách nhiệm nếu để tình trạng tái lấn chiếm xảy ra; đồng thời giao cho Phòng Quản lý đô thị, Đội Quy tắc đô thị thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện, báo cáo kết quả về UBND thành phố.

Giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, câu chuyện tưởng rất cũ nhưng thực tế thì nói mãi, làm mãi mà kết quả vẫn chưa như mong đợi. Các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần phải có biện pháp cứng rắn hơn để xử lý dứt điểm các vi phạm, mới làm cho đường thông, hè thoáng, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.