TP. Thanh Hóa: Nan giải việc xóa bỏ "chợ cóc, chợ tạm"
Mặc dù cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng tại thành phố Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp xử lý những tồn tại, bất cập về tình trạng họp "chợ cóc, chợ tạm", tuy nhiên những vi phạm này vẫn tái diễn. Điều này ảnh hưởng tới trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại nhiều tuyến phố, ngõ ngách, khu dân cư nơi đây.
Những năm qua, việc người dân tập trung buôn bán, từ hoa quả, rau củ, thịt, cá, quần áo… tại vỉa hè, lòng đường đã khiến giao thông gặp khó khăn, nhất là giờ cao điểm. Không chỉ mất an toàn giao thông, các chợ tạm, chợ "cóc" ven đường còn mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi mỗi ngày lượng xe cộ đi qua mang theo lượng khói bụi lớn, bám vào thực phẩm bày bán trên vỉa hè. Bên cạnh đó, người dân buôn bán ở các khu này thường có thói quen xả luôn rác thải ra ven đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.
Ghi nhận tại một số điểm như chợ cống Tân An, chợ cóc phố Nam Sơn, chợ Bến Ngự, chợ phố Nam, chợ Phú Sơn và khu vực lân cận chợ Vườn hoa, người mua, người bán trao đổi hàng hoá rất đông đúc, dừng đỗ xe ngay trên lòng, lề đường, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, người dân ở phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa: "Nhân dân tứ phương về đây buôn bán, họ tiện đâu đứng đó".
Bà Phạm Thị Bằng, một người dân khu phố Nam Sơn, phường Nam Ngạn cho biết: Chợ cóc Nam Sơn vào sáng sớm tinh mơ, dân khắp nơi đã đổ về bày bán đủ các mặt hàng thực phẩm từ rau, củ, quả đến thịt, cá, tôm... chẳng thiếu thứ gì, không chỉ trên vỉa hè mà còn lấn chiếm cả lòng đường. Nhiều phương tiện giao thông qua lại đoạn này phải bấm còi inh ỏi thì mới nhích qua được. Tuy chợ quy hoạch của phường chỉ cách đây mấy trăm mét nhưng chợ cóc này vẫn họp mỗi ngày. Các cơ quan chức năng có đến xử lý thì cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng là lại đâu vào đó. Tôi là người dân khu này, tuy bước chân ra khỏi nhà mấy mét là đã mua được thức ăn nhưng nhiều khi cũng thấy bất tiện vì ồn ào và mất an toàn giao thông.
Từ trước đến nay, câu chuyện xử lý "chợ tạm, chợ cóc" lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh luôn là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng. Lý do chính của tình trạng này xuất phát từ ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều người dân vẫn lợi dụng những thời điểm không có lực lượng chức năng để bày bán hàng, bất chấp việc có thể bị kiểm tra, xử lý; chế tài pháp luật chưa đủ để răn đe; việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng còn thiếu cương quyết, triệt để, khiến người dân vẫn cố tình vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Thanh Hóa, hiện nay chính quyền các địa phương đang tăng cường lực lượng tổ chức tuyên truyền, giải toả các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh không đúng nơi quy định. Đồng thời cho các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh buôn bán, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các điểm "chợ cóc, chợ tạm" để xử lý tồn tại về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, ký cam kết với các hộ gia đình kinh doanh trên các tuyến phố, các điểm thường phát sinh bày, bán hàng, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Các phường, xã có các điểm họp chợ cóc, chợ tạm giáp ranh xây dựng các phương án phối hợp, tổ chức lực lượng kiểm tra, ra quân xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng phương án ra quân, xóa bỏ điểm vi phạm trật tự đô thị, duy trì công tác vệ sinh môi trường".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giải toả "chợ cóc, chợ tạm" thời gian qua vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", chưa thực sự hiệu quả, chỉ giải tỏa được trong thời gian ngắn rồi lại tái diễn vi phạm.
Nguyên nhân là do thói quen tuỳ tiện của một bộ phận người dân trong mua sắm sinh hoạt hàng ngày, tiện đâu mua đấy. Các hộ kinh doanh thì vì lợi ích của mình mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các phường giáp ranh và các lực lượng chức năng, nên đã xảy ra tình trạng khi phường này ra quân người dân lại chạy sang địa bàn phường khác họp chợ và ngược lại.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc xử lý của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giấc chấp hành quy định về hành lang an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè kinh doanh buôn. Thực hiện được điều này, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, họp "chợ cóc, chợ tạm" sẽ được cải thiện một cách căn bản, trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới sẽ được lập lại, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị thành phố ngày một văn minh.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.