Tp. Thanh Hóa: Phố Phan Chu Trinh – Một thoáng...
Theo tiến trình đô thị hóa, diện mạo Tp. Thanh Hóa hôm nay đã sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại hơn. Những tòa nhà cao tầng, khu đô thị, khách sạn, trung tâm thương mại, công trình giao thông, là những dấu ấn nổi bật mà người dân thành phố có thể vui mừng và tự hào. Nhưng ít ai biết, khu phố Phan Chu Trinh - phường Điện Biên, là một trong những tuyến phố trung tâm đẹp nhất của Tp. Thanh Hóa trong đó có công đóng góp quan trọng, hiệu quả của Công ty Sông Mã.
Một thời để nhớ…
Từ rất lâu rồi, một cảm xúc hết sức tự nhiên, thường trực, luôn lay động trong tâm thức tôi: Nếu không viết ra, không nhắc lại, tôi sẽ là người mang lỗi. Bởi thế, tôi muốn kể lại những câu chuyện về Dự án GPMB khu phố Phan Chu Trinh thông qua những diễn biến sự việc để chúng ta cùng suy ngẫm:
Thực hiện Thông báo số 78/TB-UBND ngày 16/3/1992 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết và phương án di chuyển nhà chung cư số 01 Phan Chu Trinh, Tp. Thanh Hóa. Công ty sông Mã, được UBND thành phố giao lập quy hoạch chi tiết, quản lý, đồng thời thực hiện công tác di chuyển GPMB chung cư Phan Chu Trinh.
Đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, nay đã trở thành một trong những tuyến phố hiện đại, sầm uất nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, năm 2002, công ty Sông Mã, được giao nhiệm vụ tổ chức di chuyển gần 400 hộ sinh sống tại 4 chung cư cao tầng Phan Chu Trinh. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và không kém phần phức tạp. Bởi 4 nhà cao tầng này được xây dựng từ những năm 1977, xuống cấp trầm trọng. Bộ xây dựng cảnh báo có nguy cơ mất an toàn rất cao.
Quảng Trường Lam Sơn rộng 10ha - nơi tổ chức các ngày kỷ niệm lớn của tỉnh.
Mặt khác, do nhận thức pháp luật về đất đai, về hỗ trợ GPMB của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu hợp tác; có những hành vi cản trở, không chịu di dời đến nơi ở mới; trong đó có những hộ thuộc diện chính sách và lão thành cách mạng. Hơn nữa, do giá thành cao và nhiều hệ lụy khó lường sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện, nên nhiều công ty ngại "va chạm" không muốn tham gia. Khi ấy có ý kiến cho rằng: Nếu di chuyển thành công nên phong tặng danh hiệu anh hùng cho Công ty Sông Mã.
Nói đến công ty sông Mã, không thể không nhắc đến vai trò của nguyên giám đốc Nguyễn Xuân Phi. Do xác định công tác bồi thường, GPMB là việc làm khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự nếu không được thực hiện tốt. Trên cơ sở phân tích thực trạng nhà dân và cách tiếp cận mới, sinh động, sát với thực tế; bằng tinh thần trách nhiệm cao, sự quyết tâm và cách làm bài bản, Công ty Sông Mã đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện dự án đạt kết quả cao hơn cả sự mong đợi.
Những màn pháo hoa được bắn pháo hoa đẹp mắt tại Quảng trường Lam Sơn tạo cho TP Thanh Hóa trở nên lung linh trong đêm giao thừa.
Để bảo đảm thành công trên, công ty gấp rút đầu tư xây dựng 03 nhà chung cư mới đồng bộ, bảo đảm đủ diều kiện tốt hơn nơi ở cũ để tạo quỹ đất tái định cư cho 400 hộ phải di chuyển. Trước đó, công ty triển khai Dự án Quảng trường Lam Sơn, với diện tích trên 10ha; đây là dự án gặp không ít khó khăn và trở ngại: có nhiều quan điểm chưa đồng thuận. Việc di dời một số cơ quan như: Công an phòng cháy chữa cháy; Trường công nhân xây dựng, Nhà khách Sao Mai…, nằm trong tình trạng xuống cấp, không còn phù hợp với quy hoạch của thành phố là cả một vấn đề không kém phần nhạy cảm, cam go…
Ngày 27/8/2022 tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội khinh khí cầu có chủ đề ‘Thanh Hóa rực rỡ sắc màu’.
Nhưng với quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức; Công ty khẩn trương, triển khai GPMB, thực hiện thành công dự án, tạo cho tuyến phố Phan Chu Trinh có một nét đẹp đô thị riêng biệt, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ. Để hôm nay, khi màn đêm buông xuống, chúng ta có cảm giác, Quảng trường Lam Sơn, Nhà hát Lam Sơn, đến chuỗi các ngân hàng, khách sạn …rực sáng ánh đèn, lung linh như một quần thể cung điện khổng lồ của thành phố bên bờ Sông Mã.
Trong bức tranh rực rỡ sắc màu của vùng đất "Thanh kỳ khả ái", khu phố Phan Chu Trinh hiện tại là đô thị trẻ căng tràn sức sống: Quảng trường Lam Sơn một lần nữa đã in đậm trong tâm thức bao người; đồng thời khẳng định vị thế của Quảng trường Lam Sơn - không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô bậc nhất tỉnh Thanh Hóa…
Lễ hội khinh khí cầu diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa
Gần đây nhất là sự kiện sáng ngày 8/10/2023, hơn 8.000 học sinh THPT trên địa bàn thành phố cùng hàng vạn người dân tham gia cổ vũ cho nhà leo núi Lê Xuân Mạnh (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hàm Rồng) trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia - Điểm cầu Thanh Hóa tại Quảng trường Lam Sơn, hàng vạn người dân đã vỡ òa "bùng nổ" khi chiến thắng đã thuộc về người con xứ Thanh.
Sáng 8/10/2023, hơn 8.000 học sinh THPT trên địa bàn thành phố cùng hàng vạn người dân tham gia cổ vũ cho nhà leo núi Lê Xuân Mạnh (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hàm Rồng) trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Ký ức xưa, khát vọng nay
Để hiểu rõ những vấn đề trên, tôi "đặt vấn đề" với ông Chu Phạm Ngọc Hiển - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, là một trong những "nhân chứng lịch sử" của sự kiện này; ông vui vẻ giới thiệu: Nhà báo muốn tìm hiểu về "dự án có một không hai này ", ở khu phố Phan Chu Trinh, người nắm rõ và hiểu chuyện nhất đó là ông Trịnh Bá Doanh - thương binh loại 1, cũng là đối tượng phải di rời, anh nên tìm gặp, mới thấy được tính khách quan và công việc GPMB ở đây khó khăn như thế nào…
Theo chỉ dẫn của người dân, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà ông Trịnh Bá Doanh. Qua câu chuyện với ông Doanh, được biết thêm: "Khi có chủ trương GPMB chung cư nơi nhiều hộ đang sinh sống (trong đó có gia đình tôi). Một số gia đình người dân mặc dù được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù GPMB, cố tình đòi hỏi bồi thường hỗ trợ không đúng với chính sách quy định. Họ coi mình có quyền "hành" công ty sông Mã, với đủ mọi cách; nào là đem cờ Tổ quốc ra treo, (để gây khó cho các lực lượng chức năng không dám phá dỡ).. "Cuộc chiến" GPMB tưởng như không có hồi kết.
Có những đối tượng còn lăng mạ mắng chửi lãnh đạo công ty, thế mà họ vẫn kiềm chế; vượt lên tất cả là sự kiên trì chịu đựng. Hiểu được nỗi khổ của đơn vị thực thi, tôi đã chủ động "vào cuộc", đi đến từng hộ để thuyết phục, vận động; thấy tôi cũng là đối tượng chính sách, sẳn sàng di chuyển bàn giao cho cơ quan chức việc, nên họ cũng "xuống thang" dần. Qua tiếp xúc, và qua thực tiễn nhiều vụ việc, tôi mới nhận ra rằng: Với tâm thế - tận tâm và trách nhiệm công dân cao, các vị lãnh đạo công ty sông Mã thực sự muốn làm cái gì đó cho dân, cho cộng đồng thì dù khó khăn đến mấy họ vẫn quyết tâm làm. Chính những điều cốt lõi ấy công ty nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đông đảo cán bộ và người dân Tp. Thanh Hóa. Đến bây giờ, có rất nhiều chuyện dù muốn quên cũng khó.
Tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc
Có thể nói, một thời "dâu bể" gom chứa bao nhiêu là nụ cười, bao nhiêu là nước mắt, tất cả như mới tinh khôi; để lại cho hôm nay và ngày mai những hoài niệm khó phai. Để hôm nay, công năng của khu phố Phan Chu Trinh trở thành một "bảo tàng mở", mà nó còn là một không gian năng động hiện đại với tất cả các chức năng của nó: không những là một trong những nơi mua bán nhộn nhịp nhất của thành phố, mà còn có giá trị cao cả về tính thẩm mỹ cũng như có chất lượng vượt trội với thời gian, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, đẹp đẽ, thanh lịch và giàu cảm xúc về một thành phố bên bờ sông Mã.
Đài phun nước tại Quảng trường Lam Sơn liên tục đổi màu thu hút nhiều người dân, đặc biệt là các em nhỏ đến vui chơi, giải trí.
Mặt khác, công ty nhất quán quan điểm thực hiện triệt để việc công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, trình tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tăng cường công tác đối thoại, giải quyết triệt để, thỏa đáng, dứt điểm những vướng mắc trong GPMB, đúng quy định, quan tâm các kiến nghị, thắc mắc của người dân.
Nhớ lại công tác GPMB một công đoạn then chốt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai dự án, là điều kiện bảo đảm tiên quyết, là thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và Tp. Thanh Hóa, các thế hệ lãnh đạo sau này của công ty vẫn cảm phục những cách làm hay, bản lĩnh của thế hệ trước.
Hình ảnh khu nhà sập sệ được thay thế bằng không gian vui chơi giải trí sầm uất cho người dân Xứ Thanh.
Nhìn lại những kết quả đạt được, cả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB trên địa bàn Tp.Thanh Hóa trong thời gian qua, cũng là dịp để chúng ta ghi nhận, cảm thông sâu sắc với những khó khăn mà công ty và các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm đã trải qua: Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Trong dòng chảy liên tục về công tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Tp. Thanh Hóa nói riêng đã in dấu ấn quan trọng, vai trò đóng góp không nhỏ của công ty sông Mã.
Người dân Thanh Hóa không những có một không gian thoáng đãng thư giãn sau 1 ngày làm việc mệt nhọc mà Quảng trường Lam Sơn còn là nơi kinh doanh buôn bán, giải trí, tăng thêm nguồn thu cho người dân
Suy đến cùng, làm lãnh đạo thời nào cũng phải dám nghĩ, dám làm và cần sự đột phá, sáng tạo lối đi, vì cách làm là không hề có trong khuôn mẫu. Vì vậy, càng trong khó khăn, gian khổ, người lãnh đạo ở bất kỳ lĩnh vực nào càng phải thể hiện bản lĩnh, luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phải tìm ra được những đột phá, động lực để phát triển.
Nhắc lại những kinh nghiệm và việc làm cũ để thấy, tư duy này, nhận thức này, triết lý này…vẫn có thể đúng cho hôm nay và phù hợp với thực tiễn ngày mai.
Triều NguyệtTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.