Tp. Thanh Hóa: Tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học

Địa phương
09:14 PM 05/09/2021

Năm học mới bắt đầu, nhiệm vụ mới với nhiều kế hoạch đã được đặt ra. Thầy cô và các em học sinh thân yêu ra sức thi đua, phấn đấu vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và khó lường như hiện nay. Ngành Giáo dục & Đào tào tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện mục tiêu "Tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học", dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt học tốt.

Rút kinh nghiệm từ những năm học trước ngay từ những ngày đầu tháng 8/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường học chủ động xây dựng phương án an toàn khai giảng, đi học, học bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Các phương án phải sát thực, linh hoạt phù hợp với diễn biến của dịch bệnh với 4 cấp độ ứng phó. Đến nay 100% các trường từ cấp 1  đến trung học hổ thông trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án dạy và học trực tuyến trong tình huống diễn biến dịch phức tạp, trường học bắt buộc phải đóng cửa.

Khi chỉ còn ít ngày nữa năm học 2021 -2022 sẽ chính thức bắt đầu, công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường cũng được hoàn tất, thì tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh lại diễn biến phức tạp. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục gia tăng và chưa có xu hướng giảm nhiệt. Vấn đề này, đặt ra rất nhiều thách thức cho Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng như cho lãnh đạo tỉnh. Buộc các nhà lãnh đạo phải có phương án kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh. Việc làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh trong trường học, đảm bảo được chất lượng dạy và học trong bối cảnh này là một bài toán khó mà lời giải nằm ở sự nỗ lực tối đa của cả hệ thống giáo dục.

Năm học 2021 – 2022 Tỉnh Thanh Hóa sẽ đón khoảng 862.000 học sinh nhập học, ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học tại 2038 cơ sở giáo dục công lập cũng như tư thục trên địa bàn. Theo dự tính thời gian tựu trường và kế hoạch khai giảng năm học 2021 -2022 của Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa, Tp. Thanh Hóa tạm dừng thời gian tựu trường đối với tất cả các bậc học cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 4/9, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành công văn số 5013/UBND-GDĐT về việc tổ chức hoạt động dạy học trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các nhà trường tiếp tục quán triệt và hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị tối thiểu đảm bảo cho công tác phòng chống dịch. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo của đơn vị.

Tp. Thanh Hóa: Tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nhà trường không tổ chức Lễ khai giảng năm học mới, thay vào việc tổ chức Lễ khai giảng, Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm dành thời gian của tiết 1 (sáng ngày 6-9-2021) để gặp gỡ trực tuyến học sinh, làm công tác tổ chức lớp học, công bố lịch học, nội quy học trực tuyến… Sau tiết 1, các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022.

Về tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022:

Đối với bậc học Mầm non: Trẻ mầm non chưa đến trường cho đến khi có thông báo mới. Không dạy học trực tuyến cho trẻ mà thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà. Các cơ sở giáo dục mầm non tích cực làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng và đăng ký các video clip, kho tài liệu, học liệu trực tuyến…

Đối với bậc Tiểu học: Hiệu trưởng các nhà trường tham khảo lịch phát sóng dạy học trực tuyến trên truyền hình năm học 2021-2022 (Do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức).

Đối với các trường có điều kiện thuận lợi: Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch để tổ chức dạy học trực tuyến, trước mắt có thể thông qua các bài ôn tập hoặc bài mới không quá 1 buổi/ ngày và tập trung cho các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh… đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các trường khác.

Đối với các trường còn khó khăn: Trước mắt tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên và học sinh làm quen với việc dạy và học trực tuyến qua việc ôn tập kiến thức, nếu dịch bệnh kéo dài chuyển sang dạy bài mới, kết hợp với việc học qua truyền hình và giao bài tập qua các phần mềm như zalo, email… Khuyến khích cho mẹ học sinh tạo điều kiện về phương tiện cho con, em học tập…

Đối với bậc THCS và Trung tâm GDNN-GDTX TP: Hiệu trưởng các nhà trường tham khảo lịch phát sóng dạy học trực tuyến trên truyền hình năm học 2021-2022 (Do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức).

Các nhà trường chủ động xây dựng phương án, kế hoạch để tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh không học tập trung tại trường. Tùy vào điều kiện thực tế của các trường, phụ huynh, học sinh về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin để tổ chức dạy học. Nhà trường phải chủ động, linh hoạt trong thực hiện Kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Khuyến khích các nhà trường đăng ký sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến kết hợp quản lý dạy học và quản lý nội dung ôn tập (LMS) được các nhà mạng cung cấp.

Để bảo đảm chất lượng giáo dục cho cả năm học, trước đó ngành giáo dục thành phố đã tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn, tìm hiểu các nội dung chương trình giáo dục mới bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, ưu tiên đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy và học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, thành phố đã xây dựng phương án tuyển giáo viên hợp đồng cho bậc mầm non, tiếp nhận giáo viên cho các bậc học. Năm học mới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngành giáo dục đã lên các phương án phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc dạy học online vẫn tồn tại một số hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục như: mức độ tập trung của các học sinh kém, không đồng đều về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhất là đối với cấp tiểu học do vậy rất cần sự quan tâm, chung sức của các phụ huynh học sinh, đồng hành cùng con em mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em tiếp thu tốt chương trình dạy học của nhà trường. Từ đó giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh trong việc phải tổ chức dạy học online.

Việc các thầy cô và các em học sinh thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là việc làm tiên quyết, cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người mọi nhà. Việc làm này tuy có những bất cập nhưng nó đem lại nhiều điều tốt đẹp trong tương lai.

Do đó, làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của các em vừa giúp các em học tập tốt, hoàn thành tốt chương trình học tập của mình không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, của ngành giáo dục, của nhà trường hay các thầy cô mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của chính các bậc phụ huynh trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Sẽ rất khó để xây dựng một phương án chung, tối ưu, đáp ứng được cho tất cả đối tượng học sinh cũng như các tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên việc luôn chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống sớm nhất, việc chuyển từ bị động, bất ngờ sang trạng thái chủ động, bình tĩnh chính là nền tảng cơ bản để nền giáo dục tỉnh Thanh Hóa hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, với mục tiêu cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo chất lượng giáo dục.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn