TP. Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc dịp Tết Giáp Thìn
Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân và du khách, TP Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đặc sắc vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Điểm nhấn trong dịp Tết này đó là các hoạt động văn hóa tại Công viên Hội An từ ngày 4 đến 13/2 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 4 Tết Giáp Thìn). Trong đó điểm check-in Tết xưa với 2 gian nhà phiên bản Phố cổ Hội An được trang trí mô hình Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, khu vực đường dẫn cũng được trang trí mang đậm màu sắc văn hóa Tết xưa, là nơi trải nghiệm và check-in đặc sắc với du khách.
Cũng tại Công viên Hội An sẽ có điểm check-in tạo hình linh vật năm Giáp Thìn với hình tượng con rồng do các nghệ nhân của phường Tân Sơn và các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện. Đây là nét mới tại Công viên Hội An dịp Tết Giáp Thìn năm nay.
Bên cạnh đó là các hoạt động đặc sắc khác như: viết thư pháp, vẽ tranh, vẽ phác họa chân dung, tập làm gốm, đèn lồng, nặn tò he, tô tượng nặn con vật,... trưng bày các sản phẩm sinh vật cảnh và mặt hàng Tết, đặc sản OCOP...
Tại Khu Văn hóa Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày mùng 4 Tết sẽ tổ chức lễ hội trình diễn thư pháp và cho chữ đầu xuân. Đây là hoạt động đã trở thành truyền thống được TP Thanh Hóa duy trì tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Song song với đó là trưng bày ảnh các hoạt động, sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật năm 2023 của TP Thanh Hóa và của tỉnh.
Một hoạt động văn hóa đặc sắc khác vào dịp Tết Giáp Thìn đó là "Tết xưa Làng cổ" tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng với nhiều nội dung đặc sắc, như: tái hiện không gian Tết xưa, chợ Tết quê, ẩm thực Tết xưa, tổ chức gói bánh chưng, các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi trò diễn dân gian... "Tết xưa Làng cổ" dự kiến tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão (ngày 4/2) đến ngày mồng 6 Tết (ngày 15-2).
Tại Thái miếu nhà Hậu Lê sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Tế lễ Khai Xuân; trò chơi kéo chữ: Đồng xuân Thưởng lạc; trò chơi kéo chữ: Thiên hạ thái bình; Múa Trò Xuân Phả; vật cù; cờ thẻ; thư pháp; trưng bày và bán đặc sản địa phương; tổ chức các trò chơi dân gian: cờ tướng, kéo co... Thời gian từ ngày 18 đến 24/2 (tức từ ngày 9 đến 15 tháng Giêng).
Hoạt động thể dục thể thao đặc sắc dịp Tết Giáp Thìn đó là Hội diễn Vovinam các CLB tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại khu vực Tượng đài Lê Lợi vào ngày mùng 4 Tết. Năm nay, hội diễn dự kiến được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm chào mừng sự kiện Vovinam – Việt võ đạo chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.
Với những phần trình diễn lân sư rồng, các bài thi quyền và biểu diễn nội công đặc sắc, hội diễn không chỉ là dịp tranh tài sôi nổi của các VĐV đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm giao thừa sẽ được diễn ra từ 23h đến 00h đêm 30 tết tại Quảng trường Lam Sơn.
Hiện nay, UBND TP Thanh Hóa đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động bảo đảm đúng quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, trang trọng, trên tinh thần vui tươi, an toàn, văn minh và tiết kiệm, có sức lan tỏa và tính giáo dục về truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.